Tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm hành vi mua bán hóa đơn trên mạng xã hội
Trước tình trạng mua bán hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên không gian mạng vẫn diễn ra công khai với chiều hướng phức tạp mặc dù đã có nhiều vụ án mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách đã bị xử lý hình sự.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán HĐĐT trên mạng xã hội.
Với việc áp dụng dự liệu lớn (Big Data) trong quản lý hóa đơn, những vi phạm trong sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ được cơ quan thuế phát hiện và đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật
Nhiều doanh nghiệp gian lận hóa đơn bị khởi tố
Thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay đã có 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Thống kê đến thời điểm này, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý khoảng 7,2 tỷ hóa đơn (gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã). Hệ thống HĐĐT đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN.
Chỉ 1 lần sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, dù cố che dấu nhưng khi bị phát hiện sẽ là tội phạm trong lĩnh vực thuế
“Việc sử dụng hóa đơn hợp pháp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, tạo sự minh bạch, công bằng trong các thành phần kinh tế.
Bên cạnh việc sử dụng đồng bộ các giải pháp quản lý, trong đó các giải pháp sử dụng ứng dụng quản lý rủi ro và dữ liệu lớn (Big Data), ngành Thuế quyết tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các cơ quan chức năng và cơ quan Công an đẩy lùi và chấm dứt nạn mua bán và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn trong lĩnh vực thuế.
Tổng cục Thuế kêu gọi và mong muốn người dân, NNT chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời thông tin đến cơ quan Thuế và cơ quan chức năng những dấu hiệu mua, bán hoá đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra hoặc điều tra và xử lý nếu có vi phạm.”
Cơ quan thuế tăng cường công tác phòng chống gian lận hoá đơn, đặc biệt là công tác phối hợp với cơ quan Công an. Kết quả chỉ tính riêng năm 2023, công tác phối hợp với cơ quan Công an trong đấu tranh chống gian lận hoá đơn, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; và cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan Công an theo đúng quy định.
Theo đó, nhiều vụ án gian lận hoá đơn đã bị xử lý như: Vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu; vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm can tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” ...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm về thuế có chiều hướng gia tăng, hành vi mua bán hoá đơn ngày một tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đối tượng lợi dung quy định trong đăng ký kinh doanh để thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích; Mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích để bán hóa đơn không hợp pháp. Ngoài ra, các đối tượng thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản, nguyên nhiên vật liệu,… nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội trên không gian mạng lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội… nhằm mục đích rao bán các hóa đơn GTGT của các “doanh nghiệp ma” với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính.
Lợi dụng môi trường mạng, một số DN đã dễ dàng móc lối với các đối tượng rao bán hoá đơn để thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp nhằm chiếm đoạt thuế của Nhà nước thông qua việc khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp NSNN; Sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp NSNN; Sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn...
Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn trên không gian mạng, chủ động thu thập thông tin về đối tượng rao bán hóa đơn trên không gian mạng trên địa bàn
Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường chống gian lận hóa đơn
Trước tình hình trên, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế; Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng xã hội.
Hiện nay, cơ quan Thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT (Quyết định số 1386/QĐ-TCT ngày 26/9/2024), phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 4786/TCT-TTKT về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng rao ban hóa đơn trên không gian mạng gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt các giải biện pháp.
Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn trên không gian mạng, chủ động thu thập thông tin về đối tượng rao bán hóa đơn trên không gian mạng trên địa bàn... Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn việc phát tán, đăng tải các thông tin rao bán HĐĐT trên không gian mạng và kịp thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế chủ động triển khai các giải pháp công nghệ thông tin nhằm thu thập, đánh giá và phân tích thông tin về hóa đơn trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách và pháp luật thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ các chế tài xử lý đối với hành vi mua bán hóa đơn, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ các quy định pháp luật về thuế và hóa đơn.
Cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng có liên quan như Hải quan, Ngân hàng,... để truy vết, xử lý NNT mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hoá đơn. Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp danh sách NNT có rủi ro cao về hóa đơn sang cơ quan Công an để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh công tác tăng cường phối hợp với cơ quan Công an trao đổi cung cấp thông tin khi ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cho cơ quan thuế, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng ứng dụng cảnh báo xuất HĐĐT để hỗ trợ cơ quan thuế và cơ quan Công an phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận HĐĐT, từ đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh.
Tổng cục Thuế cũng tiếp tục truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ về nghĩa vụ chấp hành pháp luật thuế; chủ động cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế khi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế thì sẽ bị xử lý hành chính về thuế, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự; công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp;… để góp phần cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định mua hóa đơn không hợp pháp nhằm mục đích trốn thuế.
Huy Hùng - Phương Thảo