0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 23/05/2025 11:05 (GMT+7)

Tiền gửi dân cư lập đỉnh, doanh nghiệp giảm mạnh

Theo dõi KT&TD trên

Tiền gửi dân cư tăng hơn 301 nghìn tỷ đồng sau hai tháng đầu năm, lập đỉnh lịch sử trong khi khối doanh nghiệp rút mạnh do nhu cầu chi tiêu, đầu tư mùa vụ.

Theo dữ liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2/2025 đạt hơn 18,157 triệu tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn được đảm bảo trong bối cảnh đầu năm thường có nhiều biến động về dòng tiền.

Tiền gửi dân cư lập đỉnh, doanh nghiệp giảm mạnh - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tổng tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng chỉ đạt hơn 14,7 triệu tỷ đồng, tăng 106.520 tỷ đồng so với tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn gần 3.900 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm trong nhóm khách hàng tổ chức – một diễn biến thường thấy trong kỳ cao điểm chi tiêu đầu năm.

Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến hết tháng 2 chỉ còn hơn 7,36 triệu tỷ đồng, giảm tổng cộng hơn 305 nghìn tỷ trong hai tháng đầu năm. Trong đó, tháng 1 giảm 233 nghìn tỷ đồng, tháng 2 tiếp tục giảm hơn 71,6 nghìn tỷ đồng. Theo thông lệ, thời điểm đầu năm là lúc doanh nghiệp phải chi mạnh cho các hoạt động như trả lương, thưởng Tết, thanh toán nợ hoặc đầu tư chuẩn bị cho mùa kinh doanh mới. Điều này khiến nhiều khoản tiền gửi, đặc biệt là ngắn hạn hoặc không kỳ hạn, được rút ra để phục vụ nhu cầu vốn.

Trái ngược, nhóm khách hàng cá nhân lại cho thấy xu hướng tích cực hơn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 301 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,26%. Riêng tháng 1 ghi nhận tăng 123 nghìn tỷ, tháng 2 tăng thêm 178 nghìn tỷ đồng – mức cao kỷ lục từ trước tới nay, đồng thời nối dài chuỗi tăng trưởng dương sang tháng thứ 13 liên tiếp.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng còn nhiều biến động, tâm lý phòng thủ khiến người dân tiếp tục ưu tiên kênh gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động đang neo ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Về phía các ngân hàng thương mại, báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy BIDV tiếp tục là đơn vị có quy mô tiền gửi lớn nhất hệ thống, với hơn 1,97 triệu tỷ đồng. VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp sau với các mức 1,62 triệu tỷ và 1,5 triệu tỷ đồng. MB ghi nhận hơn 722 nghìn tỷ đồng tiền gửi.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank hiện dẫn đầu với hơn 585 nghìn tỷ đồng, theo sát là VPBank với hơn 552 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng đầu năm, VPBank đã thu hút thêm hơn 66,7 nghìn tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng – tương ứng mức tăng trưởng tới 13,7%, cao nhất trong toàn hệ thống.

Dòng tiền của dân cư tiếp tục trở thành bệ đỡ cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu năm 2025. Trong khi các doanh nghiệp có xu hướng rút tiền theo mùa vụ thì lượng tiền gửi cá nhân lại liên tục tăng, thể hiện tâm lý cẩn trọng và ưu tiên an toàn của người dân. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của khách hàng dân cư trong việc duy trì sự ổn định thanh khoản cho hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh lãi suất vẫn thấp và nền kinh tế đang từng bước thích nghi với biến động toàn cầu.

BN

Bạn đang đọc bài viết Tiền gửi dân cư lập đỉnh, doanh nghiệp giảm mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lần đầu tiên trong lịch sử Bitcoin vượt mốc 120.000 USD
Trưa nay (14/7), Bitcoin đã vượt qua ngưỡng 120.000 USD lần đầu tiên, đặt dấu mốc quan trọng đối với đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư dường như đang đặt cược vào những chính sách được mong chờ trong tuần này.
Thẻ SeABiz Ultra Cash của SeABank: “Lợi ích kép” cho doanh nghiệp
Thanh toán không tiền mặt đã trở thành thói quen của đại đa số người dân và cả các doanh nghiệp. Không chỉ giúp việc giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, doanh nghiệp còn được hưởng lợi lớn từ những giao dịch này.

Tin mới

Chuẩn bị tăng loạt phí với xe chạy xăng: Bước đi mạnh mẽ hướng tới giao thông xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, yêu cầu thành phố Hà Nội triển khai một loạt giải pháp cấp bách nhằm giảm ô nhiễm môi trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc điều chỉnh chính sách thu phí đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bảo vệ hàng thật, lấy lại niềm tin
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua lại nóng lên bởi những thông tin chung quanh chiến dịch chống hàng giả, hàng kém chất lượng do Thủ tướng Chính phủ khởi động, chỉ đạo.