Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm có gây khó cho nguồn huy động vốn?
Bài toán đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa được xới lên khi Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính chủ trì.
Theo đó, địa phương này kiến nghị chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế.
Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích tiết kiệm và đảm bảo dòng vốn cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính chưa đưa ra phương án cụ thể nhưng khẳng định mọi thay đổi chính sách thuế cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tài khóa và sự ổn định thị trường tài chính.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính nêu: Trong giai đoạn vừa qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước, thu hút nguồn nhân lực, nguồn vốn, nguồn công nghệ cao, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cạnh tranh về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
Cùng với đó, nguyên tắc của các hiệp định thuế và sự xuất hiện của những khoản thu nhập phát sinh qua các mô hình kinh doanh mới, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới cũng đang đặt ra một số yêu cầu đối với việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế TNCN.
Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đã liên tục đưa ra các biện pháp cải cách về chính sách thuế TNCN để thích ứng với các xu thế này.
Theo đó, Luật thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được rà soát để sửa đổi, bồ sung cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước những năm tới đây cũng như xu thế cải cách chính sách thuế TNCN trên thế giới hiện nay.

Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả vai trò của sắc thuế này trong tổng thể hệ thống chính sách thuế của Việt Nam; thực hiện động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực cho ngân sách Nhà nước (NSNN) để cùng với các nguồn lực khác đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chỉ NSNN, nhất là chi cho công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
Bộ Tài chính cho biết ngân sách Nhà nước định hướng cơ cấu lại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đảm bảo tính trung lập. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị.
Tại dự thảo, cơ quan này cũng dẫn kinh nghiệm của các nước cho thấy: Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất. Hay tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là thu nhập phải nộp thuế TNCN. Ngược lại, một số quốc gia cho phép giảm trừ với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp khi tính thuế TNCN.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Về mở rộng cơ sở thu thuế, việc áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không được Bộ Tài chính đề cập tới tại dự thảo gần nhất. Cơ quan này hiện chỉ tính mở rộng theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại... là thu nhập chịu thuế.
Theo quy định hiện hành, có 10 loại thu nhập chịu thuế, trong đó có tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, thừa kế, quà tặng. Hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế.
Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra vài năm trước đây. Một số ý kiến đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm với các khoản tiền gửi lớn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.
Bảo Thoa