Tiềm năng tăng trưởng ngành công nghiệp bán dẫn
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn từ hệ thống chính trị ổn định,
Vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào.
Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn
Trong những năm vừa qua, ngành Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành: Công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành Công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.
Cùng với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, vị thế của Việt Nam trong ngành Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang dần được cải thiện và phát triển. Ngành Công nghiệp bán dẫn Việt Nam bộc lộ tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự gia nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Về cơ hội của Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược được ban hành trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Sau quá trình nghiên cứu, dựa trên tính thực tiễn của Việt Nam cũng như toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam theo công thức: C = SET +1 (C: chip bán dẫn; S: chip chuyên dụng; E: công nghiệp điện tử; T: nhân tài, nhân lực; +1: Việt Nam).
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024 - 2030), thu hút FDI có chọn lọc, giai đoạn 1 đặt mục tiêu có 100 doanh nghiệp thiết kế, 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử, ít nhất 1 nhà máy chế tạo, sản xuất chip. Doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 25 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử trên 225 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040), phát triển công nghiệp bán dẫn điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI, giai đoạn này hướng đến mục tiêu có 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử, doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 50 tỷ USD/năm; doanh thu công nghiệp điện tử trên 485 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050), làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, hướng đến mục tiêu có 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử. Doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 100 tỷ USD/năm, doanh thu công nghiệp điện tử trên 1.045 tỷ USD/năm.
Việt Nam đã và đang triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2025; Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn; Đề án đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn,…
Cần nhân lực xuất sắc để dẫn dắt ngành bán dẫn toàn cầu
Chia sẻ trong phiên thảo luận “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, bà Linda Tân, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), nhận định, Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Linda Tân chỉ ra các yếu tố đã, đang và sẽ giúp Việt Nam trở thành “người chơi” chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là Việt Nam có sự ổn định chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với lộ trình và mục tiêu rõ ràng cho ba giai đoạn. Tiếp đến, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, ở gần một số thị trường lớn nhất toàn cầu hiện nay như Trung Quốc và ASEAN, đồng thời nằm trên các tuyến hàng hải chủ chốt dễ dàng sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ và đam mê công nghệ, Việt Nam có nguồn nhân lực tiềm năng cung cấp cho ngành bán dẫn với chi phí lao động tương đối cạnh tranh với các thị trường khác. Không chỉ vậy, Việt Nam có chi phí sinh hoạt, giá lao động, giá điện thấp hơn so với một số quốc gia. Bên cạnh đó, với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về miễn thuế thu nhập, thuế đất, thuế xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đang có vai trò lớn trong thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Samsung, Amkor, Intel, Micron, Marvell, Infineon… đều có nhà máy tại Việt Nam, củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Từ những lợi thế đó, để ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam phát triển tương xứng những tiềm năng, lợi thế đang có cần nhân lực xuất sắc để dẫn dắt ngành bán dẫn toàn cầu. Theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông nhấn mạnh yếu tố nhân lực là then chốt trong chiến lược phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Hiện nay số lượng kỹ sư bán dẫn của nước ta là khoảng 6.000 người và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra thông qua đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho những nhân sự đang làm trong các lĩnh vực gần gũi với bán dẫn. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thế mạnh về STEM, toán học, tự nhiên.
Tuy nhiên việc đào tạo nhân lực bán dẫn không đơn giản là đào tạo diện rộng, chuyên sâu mà cần có bài bản, hệ thống, xuyên suốt về mặt tư duy. Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ ra ba hướng ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn: Đào tạo ngắn hạn, chuyển đổi kỹ sư từ các ngành gần sang ngành công nghiệp bán dẫn; phối hợp với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để đào tạo giảng viên; tập trung vào hệ thống phòng lab quốc gia dùng chung và phòng lab cơ bản, tiêu chuẩn ở các trường đại học có thế mạnh.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam cho rằng, nên phân chia nguồn nhân lực chung và nguồn nhân lực xuất sắc. Ngành bán dẫn đòi hỏi nhân lực xuất sắc. Giáo dục đại học chỉ là một phần của câu chuyện mà phải có định hướng cao hơn như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đó là một sự đầu tư đặc biệt. Khi đầu tư được nguồn nhân lực như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội dẫn dắt hoặc nằm trong nhóm dẫn dắt của ngành bán dẫn toàn cầu.
Nguyễn Hoa