Thực phẩm ngoại 'hút khách' Việt
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM diễn ra nhiều hội chợ - triển lãm quốc tế với sự hiện diện của hàng loạt thương hiệu thực phẩm nước ngoài. Một số thương hiệu đã có nhà phân phối tại Việt Nam nhưng cũng có doanh nghiệp (DN) lần đầu đến nước ta chào hàng.
Nhiều cơ hội
Hiện nay, rất nhiều loại thực phẩm từ Nhật Bản được tạo điều kiện xâm nhập vào thị trường nước ta. Cụ thể, thuế nhập khẩu các loại thịt bò tuyết, heo tuyết Nhật Bản về Việt Nam đã xuống 0% nên hỗ trợ nhiều cho hoạt động bán hàng. Dù vậy, giá thịt bò tuyết của Công ty TNHH Thực phẩm Okini Việt Nam vẫn ở mức khoảng 800.000 đồng/kg, thịt heo tuyết 400.000 đồng/kg - cao hơn nhiều so với giá thị trường, kể cả hàng trong nước và hàng nhập khẩu từ một số nước khác.
Bà Thái Thị Hải, Giám đốc nhãn hàng Công ty TNHH Thực phẩm Okini Việt Nam (chuyên nhập khẩu các loại thịt bò tuyết, heo tuyết từ Nhật Bản) cho biết: "Các hội chợ mà chúng tôi tham gia luôn thu hút đông đảo khách hàng đến tìm hiểu và mua dùng thử. Cuối tháng 6, chúng tôi tham gia hội chợ tại quận 7 (TP.HCM) và phải chở thêm hàng từ kho đến vì lượng khách mua đông hơn dự kiến. Tháng nào chúng tôi cũng phát triển được khách hàng mới, cả kênh sỉ và lẻ. Kênh bán online của chúng tôi mới mở nhưng đã có hơn 200 khách hàng mua lần đầu" .
Theo bà Hải, các loại thực phẩm của Nhật Bản rất được thị trường Việt Nam ưa chuộng. Riêng thịt heo, bò của Nhật Bản rất mềm so với hàng nội địa, phù hợp với người già và trẻ em, chế biến đơn giản. "Tuy vẫn là thịt heo, thịt bò nhưng chúng tôi nhập những dòng sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được" - bà Hải giải thích.
Mới đây, lãnh đạo Công ty Thực phẩm Massel - một trong những nhà sản xuất thực phẩm chay lớn và nổi tiếng nhất của Úc - vừa làm việc với chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica để phát triển kênh phân phối các sản phẩm Massel tại Việt Nam. Massel nổi tiếng với các loại hạt nêm và nước dùng từ thực vật, hỗ trợ việc nấu nướng tại gia đình, nhất là nhà có trẻ nhỏ. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và nhận được sự quan tâm của những thương hiệu thực phẩm lớn toàn cầu.
Ông Benjamin Petlock, tùy viên nông nghiệp cấp cao - Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, cho rằng thực phẩm và đồ uống Mỹ ngày càng trở nên phổ biến với người Việt Nam nhờ vào chất lượng cao, độ an toàn và sự đa dạng. "Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nông sản, thực phẩm Mỹ.
Bảy năm trước, khi tôi đến Việt Nam nhận nhiệm vụ, thị trường chỉ xếp vị trí 12 thì nay đã vươn lên thứ 8 trong các nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp Mỹ. Thị trường Việt Nam rất tiềm năng khi người tiêu dùng luôn muốn tìm kiếm những sản phẩm mới. Thị trường Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội khi lượng khách du lịch quốc tế đông, người dân Việt Nam rất thích đi du lịch, giúp tăng sức mua" - ông đánh giá.
Theo thống kê, năm 2022, Mỹ đã xuất khẩu 4 tỉ USD nông sản, thực phẩm sang Việt Nam, gồm nhiều nhóm mặt hàng như: nguyên liệu (bắp, đậu nành, bông…) và nhiều hàng tiêu dùng: trái cây, hải sản, thịt heo - bò - gà…
Nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt
Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM đang phối hợp với chuỗi cửa hàng Nam An Market, chuỗi nhà hàng Moo Bee Steak cùng các hiệp hội nông sản, thực phẩm Mỹ tại Việt Nam thực hiện chương trình khuyến mãi (giảm giá hoặc tặng quà) cùng các buổi thử sản phẩm trong 2 tuần đầu tháng 7-2023.
Ông Võ Tấn Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Nam An - chủ quản chuỗi cửa hàng Nam An Market, cho hay một số thực phẩm nhập khẩu có giá rất cao. Chẳng hạn, thịt bò Mỹ loại cao cấp giá 2 triệu đồng/kg. Thế nhưng, sức tiêu dùng không giảm vì nhóm khách mua đã dùng quen, khó đổi sang sản phẩm khác.
Theo ông Thành, sau những lần kết hợp với các hiệp hội xuất khẩu, các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi lớn thì doanh số thường tăng 20%-30%. "Người tiêu dùng Việt Nam rất thích thử những sản phẩm mới. Khi có giá chương trình khuyến mãi, giá tốt thì sức mua tăng thấy rõ" - ông Thành nhận xét.
Báo cáo tháng 6-2023 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) vừa được công bố cho thấy trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam tăng nhập một số loại hạt từ Mỹ để tiêu dùng. Theo đó, Việt Nam đã chi 15,5 triệu USD nhập hạt dẻ (tăng 121,7% so với tháng 5-2022); 6,5 triệu USD nhập hạnh nhân (tăng 28% so với tháng 5-2022); 1,6 triệu USD nhập óc chó (tăng 135,1% so với tháng 5-2022).
Cũng theo báo cáo này, tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã chi 3,7 triệu USD nhập rau quả từ Hàn Quốc, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng mặt hàng rong biển chiếm tỉ lệ hơn 69%, tương đương 2,5 triệu USD, tăng 41,7% so với tháng 5-2022. Điều này phản ánh đúng thị trường khi rong biển Hàn Quốc là một trong những sản phẩm thường xuyên được nhân viên chào mời tại các siêu thị, hàng hóa cũng được đặt ở những vị trí nổi bật để thu hút khách mua.
Ngoài ra, Việt Nam đã chi 5,8 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ thị trường châu Âu (EU), tăng 98,6% so với tháng 5-2022 và cao hơn 1,7 triệu USD so với bình quân theo tháng năm 2022. Trong đó, dẫn đầu là khoai tây với 1,7 triệu USD, tăng 77,9%; cherry 0,34 triệu USD, cao gấp 44,5 lần so so với tháng 5-2022...
Dương Định (t/h)