Thu nhập dưới 15 triệu đồng chi tiêu đã khó, làm sao mua được nhà
Trong bối cảnh giá bất động sản liên tục gia tăng kéo theo chỉ số tiêu dùng tăng, việc Chính phủ đẩy nhanh phát triển thị trường nhà ở xã hội để hiện thực hóa mục tiêu người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng có chỗ để an cư là chính sách nhân văn.
Với các địa phương khác, những quy định liên quan đến tiêu chí thu nhập không vấn đề, song đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng như hiện tại người lao động rất khó mua được nhà, nên chăng cần phải có những quy định đặc thù.
Trong bối cảnh giá bất động sản liên tục gia tăng kéo theo chỉ số tiêu dùng tăng, việc Chính phủ đẩy nhanh phát triển thị trường nhà ở xã hội để hiện thực hóa mục tiêu người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng có chỗ để an cư là chính sách nhân văn. Với các địa phương khác, những quy định liên quan đến tiêu chí thu nhập không vấn đề, song đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng như hiện tại người lao động rất khó mua được nhà, nên chăng cần phải có những quy định đặc thù.
Chị Thu Hằng (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ rằng chị đã thuê trọ suốt 8 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Thu nhập hơn 12 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại và hỗ trợ cha mẹ ở quê, chị hầu như không thể tiết kiệm.
Chị nói: "Tôi từng nghĩ đến việc mua nhà ở xã hội vì thấy giá có vẻ rẻ hơn, nhưng khi tìm hiểu kỹ thì mới biết, với mức lương hiện tại, tôi chỉ vừa đủ điều kiện... để mơ".

Theo quy định hiện hành, để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, người lao động phải có thu nhập không vượt quá 15 triệu đồng/tháng đối với người độc thân và dưới 30 triệu đồng/tháng đối với vợ chồng. Mức trần này được đặt ra nhằm hỗ trợ nhóm người có thu nhập thấp, khó tiếp cận nhà ở thương mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tại các đô thị lớn ngày càng leo thang, mức thu nhập dưới 15 triệu đồng có lẽ chỉ đủ... tồn tại.
Chi tiêu ở thành phố lớn chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Với mức lương 12-14 triệu đồng/tháng, một người lao động độc thân ở TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội phải chi từ 4-6 triệu đồng cho tiền thuê trọ (phòng nhỏ, xa trung tâm), khoảng 3-4 triệu đồng cho ăn uống, chưa kể chi phí đi lại, y tế, điện thoại, phát sinh cá nhân... Nếu có người thân phải phụng dưỡng hoặc con nhỏ, số tiền còn lại gần như không tồn tại. Khoản "tiết kiệm để mua nhà" vì vậy cũng chỉ là khái niệm trên giấy.
Ghi nhận thực tế tại Hà Nội cho thấy, những nhà ở xã hội đang chuẩn bị mở bán, giá cao nhất hiện nay ở Long Biên là 19,5 triệu đồng/m2; Đông Anh là 18,4 triệu đồng/m2; Thanh Trì là 25 triệu đồng/m2;… trước đây giá nhà ở xã hội dưới 20 triệu đồng/m2, nhưng nay tăng lên khoảng 25 triệu đồng/m2. Lý do khiến giá tăng là ảnh hưởng của dự toán, chi phí nhân công và giá vật liệu đầu vào.

Như vậy, giá một căn hộ nhà ở xã hội hiện nay dao động từ 1,1 đến 2 tỷ đồng. Mặc dù được hỗ trợ vay ưu đãi, người mua vẫn cần đóng trước từ 20-30% giá trị căn hộ. Nghĩa là, người lao động phải có sẵn từ 200-400 triệu đồng, cộng với thu nhập ổn định để trả góp mỗi tháng. Với người có thu nhập chưa đến 15 triệu đồng, đây là bài toán khó.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động tại TP Hồ Chí Minh là 12,4 triệu đồng; tại Hà Nội là 10,7 triệu đồng (quý III/2024). Dù đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà ở vẫn ngày càng xa vời.
Điều đáng nói là, mức trần thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng vốn được đặt ra để đảm bảo rằng chỉ những người "nghèo thực sự" mới được tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người thu nhập cận ngưỡng lại là nhóm khó khăn nhất: họ không thuộc diện "quá nghèo" để được hỗ trợ đặc biệt, cũng chưa đủ khả năng để mua nhà thương mại hay tiếp cận các khoản vay lớn.
Chị Lưu Thanh Vân (công nhân may tại huyện Đông Anh, Hà Nội) kể: "Lương tôi 9 triệu đồng, chồng làm xe ôm công nghệ tháng được khoảng 10-12 triệu đồng. Hai vợ chồng cộng lại hơn 20 triệu đồng, nhưng còn nuôi con nhỏ. Tháng nào cũng căng. Có lúc suýt vay ngân hàng mua nhà ở xã hội nhưng rồi bỏ, vì sợ không đủ tiền trả góp".
Với một bạn trẻ làm việc tại Thủ đô có thu nhập khoảng 15,5 triệu đồng/tháng, nếu theo quy định, bạn trẻ đó không thuộc nhóm được mua nhà ở xã hội. Vấn đề đặt ra, trong bối cảnh giá tiêu dùng đắt đỏ như hiện tại, số tiền thu nhập 15,5 triệu đồng/tháng bạn trẻ phải chi tiêu rất khoa học mới đủ trang trải cuộc sống, lấy đâu để tích lũy. Thu nhập 15,5 triệu đồng/tháng còn khó khăn là thế, vậy những người thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm sao có tích lũy, có tiền để mua nhà ở xã hội?
Một số người lao động có học vấn cao hơn, làm việc trong văn phòng, công ty cũng không khá hơn là bao. Anh Nguyễn Thanh Phong (nhân viên kỹ thuật tại một doanh nghiệp IT ở Thanh Trì) chia sẻ: "Tôi kiếm được gần 14 triệu đồng/tháng, đã cố gắng tiết kiệm vài năm nay. Nhưng khi hỏi vay ngân hàng, họ yêu cầu chứng minh khả năng trả nợ, thu nhập ổn định và số dư tài khoản. Vòng nào tôi cũng thiếu chút. Nhà thì giá không cao, nhưng vẫn vượt quá tầm với".
Thực tế cho thấy, để có thể sở hữu một căn nhà ở xã hội, người lao động không chỉ cần đủ tiêu chuẩn về thu nhập mà còn cần đủ năng lực tài chính để chứng minh khả năng trả nợ. Trong khi đó, các chi phí như giáo dục cho con, bảo hiểm y tế, các khoản đóng góp tại nơi làm việc, hỗ trợ gia đình... đều âm thầm bào mòn thu nhập hàng tháng của họ. Tích lũy gần như bằng 0.
Những câu chuyện như vậy không hiếm ở các thành phố lớn. Dù đủ điều kiện về thu nhập để "xin mua" nhà ở xã hội, nhưng khi đối mặt với thực tế tài chính, người lao động lại buộc phải rút lui. Chính sách hỗ trợ đúng người - đúng đối tượng - đúng hoàn cảnh đang gặp một thử thách lớn: mức trần thu nhập không còn tương thích với mặt bằng đời sống đô thị.
Luật sư Trương Quang Minh - Công ty Luật INVENCO cho biết: Hạn mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng vốn được thiết kế để ưu tiên người nghèo tiếp cận nhà ở. Nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, "nghèo" không chỉ đo bằng số tiền mang về hàng tháng, mà còn là khả năng chi trả sau khi đã gánh tất cả chi phí cuộc sống.
Bảo Thoa