Thu hút vốn FDI vào công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm sao hiệu quả?
Là điểm đến đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Apple… Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Tập đoàn công nghệ lớn chọn Việt Nam - cơ hội nào công nghiệp hỗ trợ?
Việt Nam có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện tử, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình hoàn thiện chuỗi cung ứng. Theo đó, việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam được trải rộng trong hầu hết ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng ít nhưng số vốn đầu tư lại lớn. Đặc biệt, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Chia sẻ với phóng viên mới đây, một nhà đầu tư Trung Quốc cho biết họ vừa đầu tư một dự án tại Việt Nam có trị giá hơn 100 triệu USD, nhằm mục đích sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam. Nói về lý do lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhà đầu tư này cho biết, họ chọn Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó bao gồm: Môi trường đầu tư luôn được cải thiện bằng những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, nguồn lao động của Việt Nam không ngừng được cải thiện và Việt Nam tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nên đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu.
Và đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử lựa chọn Việt Nam là do Việt Nam hiện đã thu hút một loạt các doanh nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam như: Samsung, Apple, LG, Intel… theo đó công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thể là trung tâm sản xuất của châu Á.
Với sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, quy mô thị trường ngành điện tử của Việt Nam không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện. Trong đó, điện thoại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc. 3 đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng đã liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử.
Hãng Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ tháng 5.2023. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang; còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam. Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026.
Tăng kết nối với doanh nghiệp trong nước
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế.
Lý giải nguyên nhân trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.
Để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).
Bộ Công Thương cũng đã hợp tác với Tập đoàn Samsung Việt Nam, Toyota Việt Nam nhằm triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Có thể kể đến Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.