0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 17/07/2025 09:08 (GMT+7)

Quy định mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo dõi KT&TD trên

Tại Nghị định số 205/2025/NĐ-CP, Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2025.

Quy định mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng, số lượng chuyên gia, đơn vị tư vấn ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 205/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2025.

Nghị định 205/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 5 về chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, các ưu đãi, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định hiện hành.

Nghị định cũng bổ sung hỗ trợ đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Cụ thể, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu, thiết kế, phần mềm, đào tạo, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, kiểm định kết quả đối với các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.

Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, số lượng các chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ

Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ, Nghị định 205/2025/NĐ-CP bổ sung điểm c khoản 1 Điều 6. 

Theo đó, sinh viên có kết quả học tập loại xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước về kỹ thuật, công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực khác.

Bên cạnh đó, Nghị định 205/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 6a, Điều 6b, Điều 6c vào sau Điều 6:

Điều 6a. Hỗ trợ bảo vệ môi trường

Dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm liên kết ngành được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 6b. Hỗ trợ pháp lý

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ pháp lý theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 6c. Hỗ trợ thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, tư vấn chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.

2. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê các phòng thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận về chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

3. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận về chất lượng sản phẩm tại hệ thống thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận chất lượng thuộc cơ quan quản lý nhà nước.

4. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.

5. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho hoạt động nhận diện thương hiệu, đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và xin cấp mã số mã vạch.

6. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho hoạt động thử nghiệm, kiểm nghiệm các hàng hóa, sản phẩm mới mang tính sáng chế.

Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Nghị định 205/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 12 về chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Về ưu đãi thuế, dự án được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, dự án được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng các ưu đãi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2025.

Bạn đang đọc bài viết Quy định mới về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điểm hoà vốn trong kinh doanh trà sữa – Thực tế khác xa kỳ vọng
Thị trường trà sữa Việt Nam đã trải qua hơn hai thập kỷ phát triển với sự bùng nổ của hàng nghìn thương hiệu lớn nhỏ. Tuy nhiên, sau làn sóng đầu tư cuồng nhiệt, nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt khi điểm hoà vốn không như kỳ vọng ban đầu.

Tin mới

Cơ hội cho sản phẩm OCOP từ sự chuyển hướng tiêu dùng an toàn
Sự gia tăng của các vụ việc liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng không chỉ đặt ra thách thức cho công tác quản lý thị trường mà còn mở ra cơ hội rõ rệt cho các sản phẩm nông sản chế biến, đặc biệt là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, tiếp cận rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.