Hộ kinh doanh thích nghi nhanh với hoá đơn điện tử
Sau hơn một tháng triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, ngành Thuế ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi tuân thủ của hộ kinh doanh, nhóm đối tượng vốn quen với mô hình kinh doanh truyền thống, không hóa đơn.
Hơn 47.000 hộ đã áp dụng, vượt 125% chỉ tiêu
Theo Cục Thuế, tính đến hết tháng 6/2025, đã có 47.078 hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử, đạt 125,3% so với mục tiêu đề ra. Tổng cộng, đã có 238.942 cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có hơn 45 hộ kinh doanh theo phương pháp khoán có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm đã hoàn tất triển khai.
Ông Mai Xuân Thành, Cục trưởng Cục Thuế nhận định, kết quả thực tế đã vượt mọi kịch bản dự báo: “Việc áp dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp minh bạch doanh thu mà còn tạo nền tảng để hộ kinh doanh tiếp cận công nghệ, thay đổi hành vi và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động”.

Dù ban đầu không ít hộ kinh doanh lo ngại thao tác phức tạp hay bị “soi” doanh thu, nhưng thực tế lại cho thấy sự thích nghi nhanh chóng.
Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo tại Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng lo lắng vì không quen thao tác máy tính tiền, cũng sợ bị cơ quan thuế kiểm tra nhiều hơn. Nhưng sau khi được cán bộ thuế hướng dẫn tận nơi, tôi thấy phần mềm khá dễ dùng. Bây giờ ghi nhận doanh thu cũng minh bạch, cuối ngày xem lại không sợ nhầm”.
Còn với anh Trần Văn Hưng, chủ một cửa hàng giày dép tại Cầu Giấy Hà Nội, nay đã ngoài 60 tuổi, tâm lý e ngại công nghệ ban đầu là không tránh khỏi. “Tôi tưởng sẽ phải mua máy móc đắt đỏ, phần mềm khó dùng. Nhưng thực tế, khi được hỗ trợ cài đặt, tôi thấy cũng không quá khó. Hơn nữa, cũng không cần nộp giấy tờ như trước”, anh Hưng nói.
Thực tế, nhiều hộ kinh doanh ban đầu có lo ngại về việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ làm lộ doanh thu cao hơn mức khoán trước đây và bị truy thu thuế.
Không lo bị truy thu, đảm bảo công bằng
Giải đáp lo ngại của hộ kinh doanh về việc bị truy thu do doanh thu cao hơn mức khoán trước đây, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Trưởng Thuế TP Hà Nội khẳng định: “Ngành thuế không thực hiện việc truy thu đối với các chênh lệch doanh thu phát sinh do thay đổi phương thức ghi nhận. Đối với hộ kinh doanh khoán, nếu doanh thu tăng trên 50%, họ chỉ cần thông báo để điều chỉnh mức khoán cho phần thời gian còn lại của năm”.
Bên cạnh đó, ngành thuế đang tăng cường đối soát dữ liệu từ các nền tảng thanh toán và vận chuyển để kiểm soát rủi ro, thay vì quản lý cảm tính như trước đây.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, tỷ lệ vượt mục tiêu 25,3% là minh chứng cho thấy hộ kinh doanh sẵn sàng chuyển mình, và đây là bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số ngành Thuế.
Về dài hạn, nền tảng dữ liệu số từ hoá đơn điện tử sẽ giúp Nhà nước có chính sách tài khóa vi mô, hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận tín dụng, dịch vụ tài chính và hội nhập vào nền kinh tế chính quy.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế với nhóm hộ kinh doanh đang đi đúng hướng, và những kết quả vượt kỳ vọng sau hơn một tháng triển khai là minh chứng cho sự sẵn sàng thay đổi nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đây là cơ hội để từng bước đưa hộ kinh doanh vào nền kinh tế số toàn diện, công khai và bền vững.
Khảo sát của VCCI với gần 1.400 hộ cho thấy: 73% thiếu kỹ năng công nghệ, 53% lo thủ tục rườm rà, 49% gặp khó khăn do thói quen cũ. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, đây là giai đoạn chuyển tiếp tất yếu, và cần có giải pháp phù hợp, phân nhóm hỗ trợ rõ ràng.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu, nhóm chuyên gia VCCI kiến nghị: Không hồi tố truy thu, xử phạt, tịch thu đối với giai đoạn trước khi hộ áp dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời bổ sung quy định phù hợp hơn về kế toán, hóa đơn, chứng từ cho nhóm hộ nhỏ.