Thông tư 02 về gia hạn nợ xấu: Đến lúc khép lại 'sứ mệnh lịch sử'?
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực. Việc thông tư này có tiếp tục được gia hạn thêm hay không đang là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp, người đi vay lẫn các ngân hàng quan tâm.
“Sứ mệnh lịch sử” của Thông tư 02
Theo đúng kế hoạch, Thông tư 02/2023 sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trước “giờ G”, cùng nhìn lại hành trình gần 1 năm rưỡi của Thông tư 02.
Thông tư 02/2023 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào tháng 4/2023 và chính thức có hiệu lực vào tháng 6/2023. Thông tư này quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Thời điểm đó, nền kinh tế chưa kịp hồi phục sau cú sốc Covid-19, hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khả năng trả nợ của doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhờ Thông tư 02, các khoản vay của doanh nghiệp không bị “nhảy nhóm” sang nợ xấu, các doanh nghiệp được gia hạn nợ và tiếp cận nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ban đầu, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, do sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn “hồi phục”, NHNN đã quyết định ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024.
Trong gần 1 năm rưỡi, Thông tư 02 được ví như chiếc bình oxy, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian “cầm cự” để thực hiện các nghĩa vụ nợ. Ở phía "người cho vay", Thông tư này cũng giúp các ngân hàng “nhẹ nhõm” hơn khi áp lực nợ xấu giảm bớt.
Việc Thông tư 02 hết hiệu lực đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và người đi vay không được gia hạn nợ nữa. Theo lý thuyết, tỷ lệ nợ xấu sẽ cao lên, kéo theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng – vốn đã giảm mạnh - sẽ tiếp tục giảm.
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến hết quý III/2024, toàn ngành ngân hàng chỉ có 4 nhà băng là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Techcombank ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Mặc dù hiện vẫn dẫn đầu toàn ngành nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 4 ngân hàng trên đã giảm mạnh trong giai đoạn 2020 đến nay. Điển hình là Vietcombank, ngân hàng này từng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 400% vào năm 2021 nhưng đã giảm xuống còn 204,6% tính đến hết quý III/2024.
Xu hướng này cũng diễn ra tại các ngân hàng hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100% như VPBank, ACB, HDBank, Sacombank, LPBank,… Xét chung toàn ngành, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm 10,2 điểm %, từ mức 91,8% cuối năm ngoái xuống 81,6% vào cuối quý III/2024.
Trong khi đó, số liệu của NHNN chỉ ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cùng kỳ ở mức 4,55%, tăng hơn gấp 2 lần so với mức 2% của năm 2022. Điều này cho thấy tỷ lệ trích lập dự phòng của các ngân hàng chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của nợ xấu.
Ngân hàng sẽ ra sao khi Thông tư 02 hết hiệu lực?
Mặc dù chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa Thông tư 02 hết hiệu lực song đến nay NHNN vẫn chưa có “động tĩnh” gì về việc có hay không tiếp tục gia hạn thông tư này. Liệu đã đến lúc Thông tư 02 khép lại “sứ mệnh lịch sử” của mình hay tiếp tục được gia hạn thêm đang là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp, người đi vay lẫn các ngân hàng quan tâm.
Trước khi gia hạn Thông tư 02 vào giữa năm nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã bày tỏ trăn trở rằng: “Việc gia hạn hay không còn phải xem xét xem những vấn đề nội hàm của Thông tư có phải thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian. Và phải làm sao hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng nợ của các ngân hàng thương mại không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này”.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc có hay không gia hạn Thông tư 02 phải được cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét không chỉ ở phía người đi vay mà ở cả phía người cho vay là các ngân hàng.
Trước thời hạn 31/12/2024, nhiều lo ngại cho rằng việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ khiến ngành ngân hàng phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Chưa kể, việc xử lý các khoản nợ đó cũng sẽ trở nên phức tạp hơn khi nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng phục hồi để đáp ứng nghĩa vụ tài chính, từ đó có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng suy giảm.
Chia sẻ với VietnamFinance, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, Thông tư 02 một mặt giúp các ngân hàng có thêm thời gian đối phó, xử lý nợ xấu, mặt khác cũng đã gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, có kế hoạch trả nợ phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Huân, việc Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12 tới sẽ không gây ra quá nhiều cú sốc cho các ngân hàng.
“Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng mạnh, một phần là do các ngân hàng đẩy nợ xấu vào nội bảng tương đối nhiều, tức các ngân hàng ghi nhận các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu vào bảng cân đối tài sản nhưng vẫn áp dụng chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Khi Thông tư 02 hết hạn, các ngân hàng không còn có thể giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Các khoản nợ được cơ cấu lại sẽ bắt đầu được phân loại lại vào các nhóm nợ theo quy định của NHNN. Điều này có thể dẫn đến việc nợ xấu tăng, nhưng mức độ tăng không quá đột biến vì rõ ràng các khoản nợ tiềm ẩn đã được các ngân hàng chuẩn bị từ trước”, ông Huân lý giải.
Đồng quan điểm, trong trao đổi nhanh với VietnamFinance, giám đốc nghiên cứu phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng, nhìn chung việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không có quá nhiều tác động tiêu cực lên các ngân hàng.
“Thông tư 02 yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho khách hàng gặp khó khăn mà không ghi nhận nợ xấu ngay lập tức. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này theo lộ trình, bao gồm trích lập 50% vào cuối năm 2023 và 100% vào cuối năm 2024. Điều này có nghĩa là đến ngày 31/12/2024, các ngân hàng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro và sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi kịch bản ‘tỷ lệ nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm’ sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực”, ông nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông cho biết, những ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB,… sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt.
Đơn cử như Vietcombank, tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chỉ còn chiếm khoảng 0,01% tổng dư nợ. Hay như Techcombank, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 cũng đã giảm về còn hơn 400 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ. Do đó, việc Thông tư 02 hết hạn vào cuối năm 2024 sẽ không có tác động đến chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận của các ngân hàng này.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị rằng, trong bối cảnh Thông tư 02 sắp hết hiệu lực, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các ngân hàng cùng với việc dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các ngân hàng vẫn nên tập trung vào tăng cường trích lập dự phòng cũng như đẩy mạnh thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo.
Trong khi Thông tư 02 vẫn đang còn hiệu lực, vào đầu tháng 10/2024, NHNN đã công bố và lấy ý kiến Dự thảo Thông tư nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do cơn bão số 3. Theo ước tính của NHNN, tổng dư nợ chịu ảnh hưởng từ bão số 3 khoảng 165 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,16% tín dụng hệ thống tính đến giữa tháng 9/2024.
Những điểm đáng chú ý trong Dự thảo trên có thể kể đến như: Xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá ngày 31/12/2026.
Khánh Tú