0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 07/11/2024 11:41 (GMT+7)

'Giao thời' cơ chế, ngân hàng gặp khó xử lý nợ xấu

Theo dõi KT&TD trên

Theo luật sư Đỗ Xuân Thu, Công ty Luật SBLaw, việc thiếu vắng cơ chế như Nghị quyết 42 đã khiến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo, làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu, từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng vẫn đau đầu với nợ xấu

Theo kết quả công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 của một số ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu có nhiều biến động.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình 9 tháng năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%. Trong cùng kỳ, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) duy trì nợ xấu dưới mức 3%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tăng lên 1,96% khi số dư nợ xấu tăng 70%.

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng dưới 1,4%. Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,4%.

Phát biểu tại Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể kỳ họp thứ 8 sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Tính riêng trong 8 tháng năm 2024, hơn 188.500 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt mức 4,7%. Nếu không tính các ngân hàng thương mại thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này chỉ còn 1,99%”.

'Giao thời' cơ chế, ngân hàng gặp khó xử lý nợ xấu
Nợ xấu vẫn là vấn đề đau đầu của các ngân hàng.

Trong báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV về lĩnh vực Ngân hàng, NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Về cơ chế chính sách, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã ban hành Luật Các TCTD năm 2024, trong đó đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Đồng thời, Luật Các TCTD năm 2024 cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhưng không luật hóa tại Luật Các TCTD, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, đến nay, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề thách thức đối với nhiều tổ chức tín dụng. Trước đó, tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng TMCP, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu, đặc biệt là khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu không còn hiệu lực.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQ TPBank cho biết, do Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu không còn hiệu lực nên hiện không có văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng OCB và VIB cũng nêu ra những khó khăn cũng như đề xuất Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự như Nghị quyết 42 nhằm giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.

Thiếu cơ chế khiến ngân hàng thêm nặng gánh nợ xấu

Liên quan đến vấn đề này, trong chia sẻ với VietnamFinance, luật sư Đỗ Xuân Thu, Trưởng phòng Tranh tụng tại Công ty Luật SBLaw nhận định, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế và sự kiện SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sự thiếu vắng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu cũng đã làm tăng độ phức tạp và khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Việt Nam.

Cụ thể, ông Đỗ Xuân Thu cho rằng: “Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được cho đã tạo ra những bước tiến triển đáng kể cho quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nghị quyết 42 hết hiệu lực khiến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo, làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu, từ đó làm tăng gánh nặng cho hệ thống ngân hàng”.

Ngoài ra, đại diện Công ty Luật SBLaw cũng chỉ ra những tranh chấp pháp lý có thể gia tăng khi không có Nghị quyết 42, bao gồm tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo do quyền xử lý của các TCTD bị hạn chế, tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán, tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ của bên đảm bảo, tranh chấp về thi hành án dân sự.

'Giao thời' cơ chế, ngân hàng gặp khó xử lý nợ xấu
Luật sư Đỗ Xuân Thu, Trưởng phòng Tranh tụng tại Công ty Luật SBLaw.

Thực tế, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nói riêng vẫn có thể được điều chỉnh bằng Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, Thông tư 16/VBHN-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành và các quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ,…

Tuy nhiên, theo luật sư Đỗ Xuân Thu, so với Nghị quyết 42, các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn những vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, công tác hướng dẫn tố tụng, thi hành án còn chưa có được hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.

Ngoài ra, việc chưa có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ hoặc có thỏa thuận nhưng nội dung không rõ ràng có thể gây bất lợi cho tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện quyền lợi của mình.

Về mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, trên thực tế, các TCTD vẫn chưa được hướng dẫn cách xác định giá bán thế nào là phù hợp với thị trường; phương pháp chuyển nợ thành vốn góp còn hạn chế và chưa phát huy được hiệu quả thực tế do giới hạn góp vốn mua cổ phần theo Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng, không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Bên cạnh đó, việc mua bán nợ xấu cũng chưa thật sự sôi động do chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Ngoài ra, đối với nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản, hiện còn gặp khó khăn do việc xử lý tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng hiện nay còn một số khó khăn,

“Tóm lại, việc thiếu vắng cơ chế như Nghị quyết 42 sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, từ quy trình thu hồi tài sản đến khả năng mua bán nợ. Sự không chắc chắn về mặt pháp lý và gia tăng tranh chấp sẽ làm giảm tính minh bạch và hiệu quả của thị trường nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Nếu không có sự thay thế hoặc cải cách kịp thời, nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn về tài chính và niềm tin của nhà đầu tư”, luật sư Đỗ Xuân Thu nói.

Khánh Tú

Bạn đang đọc bài viết 'Giao thời' cơ chế, ngân hàng gặp khó xử lý nợ xấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vốn tín dụng cho “tam nông”
Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định việc thúc đẩy phát triển tín dụng cho “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của ngành nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước,
Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ giúp hàng trong nước được cạnh tranh bình đẳng
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Quốc hội ngày 29/10. Theo đó, việc thu thuế đối với hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được đánh giá sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu,

Tin mới

Giá vàng bật tăng, người dân chen nhau mua
Giá vàng trong nước hôm nay (8/11) tăng 1-1,8 triệu đồng mỗi lượng, trong bối cảnh giá vàng thế giới hồi phục trở lại ngưỡng 2.700 USD/ounce. Tại Hà Nội, nhiều người đổ về các cửa hàng kinh doanh vàng để mua vào.
Đề xuất mới về “siêu dự án” sân bay Long Thành
Chính phủ vừa trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trong đó đề xuất đưa đường cất - hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 lên giai đoạn 1 và lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026.
Kiểm tra và xử lý điểm kinh doanh thịt heo trái phép tại Đồng Nai
Sáng ngày 04/11/2024, Đoàn Kiểm tra liên ngành 389 thành phố Biên Hoà tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an thành phố Biên Hoà phát hiện, bắt quả tang tại điểm kinh doanh của ông V.A.Đ ở tổ 29, khu phố 6, phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa đang có hành vi kinh doanh thịt heo không rõ nguồn gốc
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng: Người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan, có nhiều trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, đối với mỗi trường hợp chấm dứt HĐLĐ, NLĐ sẽ có những quyền lợi khác nhau.