Nợ xấu tăng tới gần 50%, lợi nhuận VietinBank dự báo giảm
Theo công bố báo cáo tài chính quý II/2024 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 24.646 tỷ đồng, tăng 48% so với hồi đầu năm.
Nợ nhóm 4 tăng gần 2,9 lần, lên 13.456 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với khoản cho vay khách hàng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm cuối năm 2023.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 24.646 tỷ đồng, tăng 48% so với mức 16.608 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trong đó, mức tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gần 2,9 lần so với năm trước lên 13.456 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 33% lên 3.344 tỷ đồng.
Duy chỉ có nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 16% xuống còn 7.845 tỷ đồng. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của VietinBank tăng từ 1,13% hồi đầu năm lên 1,57%.
Lợi nhuận từ hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng mất đi tới 87,5% so với cùng kỳ. Từ mức lãi 201,5 tỷ đồng xuống còn gần 25 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư khiến VietinBank lỗ gần 34 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng cũng giảm gần 39% xuống còn 1.087 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của VietinBank lại tăng 7% so với cùng kỳ lên 5.074 tỷ đồng phần nào kéo lùi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Huy động trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động
Đầu tháng 7, VietinBank cũng đã công bố thông tin Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn và trả nợ vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024.
VietinBank dự kiến phát hành 2 đợt trái phiếu ra công chúng năm 2024 với tổng cộng 80 triệu trái phiếu. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000đồng/trái phiếu. Tương đương tổng giá trị 2 đợt phát hành trái phiếu là 8.000 tỷ đồng.
Trong cả 2 đợt phát hành, ngân hàng đều dự kiến huy động 2 mã trái phiếu là XTG2432T2 có giá trị 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 8 năm và mã phái trái phiếu CTG2343T2 giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm.
Trường hợp đợt 1 chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết sẽ được chuyển qua đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu. Thời gian phát hành trái phiếu đợt 1 dự kiến là trong quý III - IV/2024, đợt 2 dự kiến trong quý IV/2024 và quý I/2025.
VietinBank thực hiện phân phối và chào bán trái phiếu trực tiếp cho nhà đầu tư thông qua các chi nhánh và phòng giao dịch VietinBank trên toàn quốc. Lãi suất của các trái phiếu là lãi suất thả nổi, tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm.
Số tiền thu được từ chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024 sau khi đã khấu trừ các khoản phí, chi phí có liên quan, dự kiến sẽ được VietinBank sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỉ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.
Tác động của nợ xấu đến các ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại (NHTM) là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nợ xấu, cụ thể là: Ngân hàng giảm lợi nhuận và có nguy cơ mất vốn: Nợ xấu khiến ngân hàng không thể nhận được tiền lãi đúng hạn, thậm chí bị mất vốn, cộng thêm các chi phí phát sinh để xử lý khoản nợ đó. Từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh, hạn chế khả năng tăng trưởng và mở rộng tín dụng của ngân hàng.
Ảnh hưởng đến năng lực thanh toán của ngân hàng: Việc không thu hồi đúng hạn các khoản tín dụng đã cấp ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chi trả tiền gửi cho người gửi tiết kiệm, làm chậm quá trình tuần hoàn và luân chuyển nguồn vốn của ngân hàng, trường hợp xấu nhất, ngân hàng buộc phải tiến hành sáp nhập hoặc phá sản.
Giảm uy tín và năng lực cạnh tranh của ngân hàng: Việc không thể chi trả đúng hạn tiền gốc và lợi tức cho người gửi tiền, khiến khách hàng không còn tín nhiệm để gửi tiết kiệm tại ngân hàngdẫn đến sự sụt giảm nguồn vốn kinh doanh, làm chậm quá trình mở rộng quy mô cấp tín dụng, ảnh hưởng tới uy tín và năng lực cạnh tranh của NHTM.
Ảnh hướng tới sự phát triển của toàn bộ hệ thống NHTM: Nợ xấu có thể kéo theo rủi ro rút tiền đồng loạt trên thị trường, dẫn đến khủng hoảng tín dụng không thể khắc phục, từ đó gây ra biến động của hệ thống ngân hàng ở các mức độ khác nhau, rất bất lợi cho sự phát triển của NHTM.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, số lượng ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài ngày một gia tăng, canh trạnh trong lĩnh vực ngân hàng trở nên rất khốc liệt, đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải hết sức nỗ lực, chủ động nhận thức và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Anh Thư