Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Đã qua cơn bĩ cực?
Các chuyên gia kỳ vọng sau những đợt thanh lọc trong hơn một năm vừa qua, cùng với thay đổi chính sách và đặc biệt là sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ góp phần phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kênh vốn trung, dài hạn chủ đạo trong nền kinh tế.
Vượt qua thăng trầm
Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trên cả 2 khía cạnh: (i) doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành và (ii) nhà đầu tư tham gia thị trường. Sự gia tăng cả về phía cung và cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế; góp phần giảm gánh nặng cho kênh tín dụng ngân hàng, khắc phục tình trạng “chân cao chân thấp” trên thị trường vốn.
Theo thống kê của Khối Tư vấn tài chính Công ty cổ phần chứng khoán BIDV (BSC), tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng từ mức 225,8 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên mức 726,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 (số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam – VBMA là 658 nghìn tỷ đồng - Pv), quy mô tương đương với 18,2% GDP. Hai chủ thể phát hành chính là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Đặc biệt, trái phiếu bất động sản năm 2021 đã bùng nổ khi chiếm đến 42,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp chủ yếu là các tổ chức tín dụng với lượng mua chiếm 46,14%, công ty chứng khoán mua 22,43%, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ nhiều khó khăn sau thời gian tăng trưởng nóng. Nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng để quay lại với thị trường. Trong nửa đầu năm 2023, giai đoạn khó khăn nhất trong 5 năm trở lại đây của thị trường, thống kê của Bộ Tài chính cho biết có 451 mã trái phiếu niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022.
Những khó khăn của thị trường còn có thể nhận thấy thông qua con số doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu. Theo dữ liệu báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, trong 3 tuần đầu tháng 7, có 11 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tổng giá trị hơn 10.100 tỉ đồng.
Đơn cử như trường hợp Công ty Saigon Glory đã thông báo chậm thanh toán 4 lô trái phiếu, đang nợ tiền gốc 4.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp đã thực hiện Hội nghị người sở hữu trái phiếu, để lấy ý kiến xin gia hạn. Tuy nhiên, số lượng tham dự không đủ để tổ chức.
Một trường hợp khác là Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Diên Vĩ dời ngày thanh toán lãi hơn 28 tỉ đồng của 3 lô trái phiếu. Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Tâm chậm trả 15 tỉ đồng tiền lãi lô trái phiếu VTICH2125001, của đợt thanh toán ngày 3/7. Doanh nghiệp cũng thông báo lùi thời gian thanh toán lãi trong đợt tháng 10.2023 và 1.2024 sang chậm nhất tháng 9/2024 và tháng 12/2024 (gia hạn gần 1 năm). Tổng tiền lãi bị chậm thanh toán vào khoảng 46 tỉ đồng.
Theo dữ liệu từ báo cáo trái phiếu của Công ty Chứng khoán VCBS vừa công bố, trong 1,078 triệu tỉ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm tháng 7/2023, khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành Bất động sản (35%) và Ngân hàng (32%). Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 ước tính 170 nghìn tỉ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn.
Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại tại ngành Bất động sản trong quý I đạt 38,7 nghìn tỉ đồng cho thấy, áp lực mua lại trước hạn vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, điểm tích cực giai đoạn này là giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến cuối tháng 6 vừa qua, đã có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kì hạn trái phiếu với các trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kì hạn là hơn 42.000 tỉ đồng. Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 - 24 tháng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn đã đạt được thỏa thuận gia hạn kì hạn với lượng trái phiếu có giá trị cao.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, nhiều tổ chức phát hành sau khi đàm phán với trái chủ được giãn tiến độ thanh toán cũng bắt buộc nâng lãi suất trái phiếu thêm 2-3 điểm %. Nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận nâng lãi suất lên mức cao nhất khoảng 15% mỗi năm, dựa trên thông tin đã được công bố vì đây là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề dòng tiền trong ngắn hạn.
Không chỉ đáo hạn, kể từ giữa tháng 3, một số doanh nghiệp bất động sản đã tiến hành vay vốn qua kênh trái phiếu trở lại và phần lớn các lô có giá trị lớn hàng ngàn tỉ đồng được phát hành nhằm mục đích tái cơ cấu nợ. Đến nay, tổng giá trị trái phiếu huy động được là hơn 20.000 tỉ đồng, riêng trong hai tuần cuối tháng 6 có 4 lô trái phiếu được phát hành với tổng giá trị trên 6.000 tỉ đồng. Mặt bằng lãi suất trái phiếu nhìn chung cao hơn giai đoạn trước với mức phổ biến 13-14% mỗi năm, trong khi mức lãi suất phổ biến ở các năm trước dao động 7-8%, cá biệt một vài lô có lãi suất cao hơn.
Thêm động lực thúc đẩy thị trường
Theo thống kê của FiinGroup, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 43 ngàn tỷ đồng (con số này của HNX là 42.783 tỷ đồng - Pv). Dự kiến cả năm 2023 tổng giá trị phát hành khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm 2023, triển vọng huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ dành cho: (i) các doanh nghiệp đáp ứng chuẩn tín dụng vì bên mua chính vẫn sẽ là ngân hàng; (ii) trái phiếu chào bán đại chúng và (iii) trái phiếu xanh.
Ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Nghị định ban hành khiến doanh nghiệp tự tin, giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng. Nghị định tạo động lực cho doanh nghiệp bất động sản bình tĩnh trở lại, mặt khác cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm chờ đợi doanh nghiệp để họ tiếp tục phát triển sản phẩm bất động sản. Đây là cơ hội cho hoạt động thị trường phát triển, bởi bất động sản liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác.
Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để bảo đảm uy tín trên thị trường.
Trong dài hạn, sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc vào các chủ thể trên thị trường.
Thứ nhất, cơ quan quản lý với vai trò định hướng, điều hành và giám sát nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo tính an toàn, lành mạnh, minh bạch và thanh khoản của thị trường.
Thứ hai, tổ chức phát hành cần đảm bảo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về kế toán, báo cáo tài chính, quản trị doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chí và tuân thủ tuyệt đối các quy định và điều kiện về hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thứ ba, nhà đầu tư cần chuẩn hóa và nâng cao năng lực nhằm đáp ứng được quy định khi tham gia thị trường cũng như khả năng đối phó và chấp nhận rủi ro tương đương với mức sinh lời đối với một trong những loại hình chứng khoán đầu tư.
Tháng 7 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành là rất cần thiết. Đặc biệt, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động sẽ giúp cho các cơ quan quản lý trong công tác quản lý thị trường trái phiếu riêng lẻ, và người dân, doanh nghiệp sẽ giám sát và nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.
Sàn hoạt động dựa trên cơ chế sẽ tích hợp nhiều hoạt động liên quan, từ khâu thẩm định, định giá, phát hành, giao dịch, cho đến giám sát đáo hạn và thu hồi nợ, nợ xấu trái phiếu, góp phần chuyên nghiệp hóa quy trình hoạt động của sàn giao dịch trái phiếu tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần thuận tiện đối với hoạt động quản lý.
Các chuyên gia cho rằng triển vọng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phụ thuộc rất lớn vào sự minh bạch của thị trường, do đó hệ thống giao dịch dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động với các quy định về công bố thông tin từ các doanh nghiệp phát hành, cùng với cơ sở dữ liệu giao dịch đầy đủ phục vụ định giá trái phiếu sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có thể tham gia sâu rộng hơn hiện nay. Ngoài ra, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn là kênh kết nối thông tin hiệu quả giữa các nhà đầu tư và tổ chức phát hành.
Thông qua sàn giao dịch, cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng cường giám sát việc tuân thủ và thực hiện các cam kết của các doanh nghiệp phát hành, hạn chế những vi phạm phát sinh trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời có chế tài can thiệp nhanh để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi phát hiện vi phạm.
Việc xây dựng sàn giao dịch chuyên biệt đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp việc giao dịch loại chứng khoán này dễ dàng, tiết kiệm chi phí cho các bên tham gia (tổ chức phát hành, nhà đầu tư); từ đó, có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo cơ hội cho việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Sau sự kiện vận hành chính thức sàn giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường trông đợi một cơ chế điều hành, quản lý thông suốt, minh bạch và hiệu quả từ khâu thẩm định chất lượng trái phiếu trước khi lên sàn giao dịch, đến quản lý giám sát giao dịch, quy trình thanh toán, giám sát đáo hạn, theo dõi nợ xấu.
Đến nay, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được lưu ký tập trung và giao dịch thông qua sàn, nhưng trách nhiệm kiểm tra, rà soát “tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp” thuộc về các công ty chứng khoán thành viên nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, nhằm đảm bảo khả năng vận hành và quyền lợi của các bên mua/bán...
Hồng Quang