Thị trường lúa gạo sẽ tiếp đà khởi sắc trong năm 2024
Năm 2024, Bộ N&PTNT đặt mục tiêu XK khoảng 8 triệu tấn gạo. Mặc dù dự báo thị trường khó đoán định nhưng theo đánh giá, ngành lúa gạo trong năm 2024 sẽ tiếp tục khả quan.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, giá gạo năm 2024 sẽ tăng hoặc giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính. Đó là chính sách XK gạo của Ấn Độ bởi bất cứ động thái nào của Ấn Độ về chính sách XK lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới và biến đổi khí hậu El Nino. Lãnh đạo Cục Trồng trọt kỳ vọng kỳ vọng lượng gạo XK sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường. Tuy nhiên, đơn vị này cũng khẳng định nếu giá gạo có giảm như năm 2021 - 2022 thì vẫn bảo đảm nông dân có lợi.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính thế giới dự báo giá lúa gạo 2024 vẫn ở mức độ cao nhưng khó được như năm 2023.
Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu tại Philippines. Nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn/năm và năm 2024 cũng vậy. Điều này cho thấy dư địa thị trường Philippines còn lớn để Việt Nam có thể khai thác tiếp.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông Thành lưu ý là vừa qua, ông có đưa đoàn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sang khảo sát Philippines nhưng tiếc là tìm không thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Trong khi đó, gạo Nhật Bản, gạo Thái Lan lại làm thương hiệu rất tốt. "Rất nhiều người dân Philippines dù ăn gạo Việt Nam nhưng không hề biết, chúng tôi rất trăn trở về điều này. Do vậy, xuất khẩu gạo vào Philippines cần xây dựng thương hiệu, đây là nhiệm vụ lớn cần làm bên cạnh số lượng", ông nói.
Dự báo về năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nếu giá gạo có giảm như năm 2021-2022 thì vẫn bảo đảm nông dân có lợi. “Tôi mong rằng nếu giá lúa gạo có lên 1.000 USD/tấn, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng có lãi. Phải làm sao các thành tố trong chuỗi đều có lời, dù chưa được công bằng”, ông Tùng cho biết.
Nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để XK gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực, bà Đỗ Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp, thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho biết, để đạt được mục tiêu đó, ngành lúa gạo cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường XK.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các giải pháp để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"…
Bộ Công thương thực hiện các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường XK như: Đa dạng hóa thị trường XK gạo; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường XK gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Song song đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Tiến Hoàng