Thêm ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm
Ngày 5/12, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất đối với hàng loạt kỳ hạn tiền gửi. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức hơn 5%/năm, giảm mạnh so với mức 8%/năm hồi đầu năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp của Techcombank chỉ trong 1 tuần qua, sau bước giảm nhẹ lãi suất 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên tại Techcombank đang niêm yết từ 4,75-5%/năm tùy nhóm khách hàng; lãi suất tiền gửi kỳ hạn gửi 6 tháng từ 4,55-4,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng xuống còn 4,3%/năm, giảm từ 0,5-0,8%/năm so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên tại LPBank cũng giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,3%/năm.
Riêng đối với các khoản tiền gửi mới hoặc tái tục kỳ hạn 13 tháng có số dư tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên sẽ được LPBank áp dụng mức lãi suất huy động lĩnh lãi cuối kỳ là 6,5%/năm, lĩnh lãi hàng tháng là 6,3%/năm và lĩnh lãi đầu kỳ là 6,07%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động trực tuyến tại các kỳ hạn 6 và 12 tháng. Lãi suất tiền gửi trực tuyến tại Eximbank các kỳ hạn này lần lượt là 4,9 và 5,5%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn khác tại Eximbank giữ nguyên ở mức từ 3,6-3,9%/năm cho tiền gửi từ 1-3 tháng; 5,3%/năm cho 9 tháng; 5,6%/năm cho 15 tháng và 5,7%/năm cho tiền gửi từ 18-36 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm sâu lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này xuống chỉ còn 4,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng chỉ còn 2,4 và 2,7%/năm, mức thấp kỷ lục của Vietcombank và cả hệ thống ngân hàng.
Cùng xu hướng giảm còn có Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank)...
Trong đó, PVCombank đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống ở mức 10,5%/năm, giảm mạnh so với mức 11%/năm hồi tháng trước. Điều kiện hưởng lãi "khủng" như vậy là số dư phải từ 2.000 tỷ đồng trở lên và gửi tiền kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.
Cũng từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất tiệm cận 9%/năm, HDBank đã hạ lãi suất cao nhất xuống còn 8,4%/năm cho khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) huy động tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 9%/năm nếu đạt điều kiện số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Dưới mức này, lãi suất áp dụng chỉ 5,1%/năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng trung bình ở mức hơn 5%/năm, giảm mạnh so với mức 8%/năm hồi đầu năm. Về lý thuyết, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi vào ngân hàng cũng sẽ giảm theo, dòng tiền sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư sinh lời khác như bất đông sản, chứng khoán, vàng...
Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 5-5,2%/năm vào cuối năm 2023 và duy trì ở vùng thấp này trong năm 2024. Dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trở đi.
Tuy nhiên, thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước lại cho thấy tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế trong 9 tháng của năm 2023 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với cuối năm 2022, đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng.
Trung Anh (t/h)