Thanh Hóa: Dân "khát" nước sạch bên cạnh nhà máy nước hơn 6 năm vẫn xây dựng dở dang
Sau khoảng 6 năm khởi công xây dựng, Dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn đang trong tình trạng dở dang, dù đã được điều chỉnh nhiều lần.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại vị trí khu đất rộng được phê duyệt để xây dựng nhà máy nước tại xã Thăng Thọ, không có bất cứ hoạt động thi công, xây dựng nào được diễn ra. Một số hạng mục đang xây dựng dang dở gồm: Một phần hệ thống tường rào bao quanh, một nhà điều hành mới xây xong phần thô, 2 bể chứa nước mới chỉ được đào đất. Gạch, đá và một ít sắt thép đã hoen gỉ, được che phủ bằng lớp bạt màu xanh nằm ngổn ngang trên nền khu đất trống.
Ông Lê Xuân Thanh (51 tuổi) người dân xã Thăng Thọ cho biết: “Trước đây, khi biết sẽ có dự án nhà máy nước sạch được xây dựng trên địa bàn, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì sẽ có nước sạch để dùng, thay cho nguồn nước tự nhiên nhiễm phèn lâu nay. Tuy nhiên, đến nay nhà máy nước vẫn chưa xây dựng xong. Các cơ quan, ban, ngành phải có biện pháp, đối với chủ đầu tư các dự án chậm tiến độ, kém năng lực và sớm thu hồi dự án để chuyển cho đơn vị khác có năng lực triển khai”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Thuyên - Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ cho biết: “Việc dự án hệ thống cấp nước sạch Thăng Thọ kéo dài trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của hàng chục nghìn dân trong khu vực. Mong muốn được sử dụng nước máy, đảm bảo vệ sinh của người dân nơi đây chưa biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Tình trạng này nếu không được khắc phục, cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, của không chỉ xã mà còn của cả huyện Nông Cống và các địa phương khác trong năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Theo tìm hiểu được biết, Dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 02/01/2018. Đây là dự án có nhiệm vụ cấp nước sạch cho 14 xã phía Đông của huyện Nống Cống. Đến ngày 5/4/2018, dự án điều chỉnh phạm vi cấp nước còn 10 xã. Hơn 1 tháng sau, dự án lại được điều chỉnh tăng lên 19 xã, gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn.
Cùng với việc điều chỉnh tăng địa phương cấp nước, hơn 2 tháng sau, dự án đã tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỷ đồng, tăng quy mô lên 3,5ha, tăng công suất lên 30.000m3 nước/ngày đêm. Đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000m3 nước. Dự án được chính thức khởi công xây dựng vào quý I/2019, dự kiến hoạt động vào quý IV/2019. Tuy nhiên, sau khi khởi công dự án vẫn nằm trong tình trạng “án binh bất động” và sau nhiều lần điều chỉnh, xin gia hạn, đến tháng 01/2021, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định tăng tổng vốn đầu tư lên 455 tỷ đồng. Tại Quyết định này, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động. Chủ đầu tư cũng đã có cam kết hoàn thành đúng thời hạn.
Trước sự chậm trễ trong tiến độ triển khai xây dựng của dự án, tháng 8/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã có buổi kiểm tra tiến độ dự án và yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến tháng 6/2023 phải đưa nhà máy vào hoạt động. Nếu quá thời gian trên, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc cấp nước sạch cho người dân trong vùng sẽ được chuyển cho đơn vị khác đảm nhận.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 9/02/2023 giữa các bên gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nông Cống với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam (đơn vị chủ đầu tư), phía chủ đầu tư đã thống nhất và ký cam kết tiến độ thi công các hạng mục của dự án, chậm nhất đến ngày 30/7/2023 sẽ hoàn thành, vận hành nhà máy cấp nước cho người dân; đồng thời, thống nhất phương án cấp nước cho người dân trong trường hợp không đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục của dự án. Thế nhưng, trái với những cam kết, đến nay dự án nước sạch nói trên vẫn nằm trong tình trạng dang dở.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra và kết luận, tại thời điểm kiểm tra ngày 22/8/2023, các hạng mục công trình xây dựng dở dang như những năm trước, không có gì thay đổi, dù công ty cam kết trước đó dự án phải hoàn thành đưa vào sử dụng, để cung cấp nước sạch cho nhân dân trong vùng vào tháng 6/2023.
Đồng thời, Sở này cũng kiến nghị: Đến tháng 10/2024, nếu dự án chưa hoàn thành sẽ thuộc trường hợp vi phạm pháp luật đất đai theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013. Nếu Công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì được UBND tỉnh gia hạn sử dụng 24 tháng và nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà công ty vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.