Thanh Hóa: Công ty LHD “núp bóng” dự án khu dịch vụ thương mại để tổ chức thu mua, chế biến lâm sản
Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất LHD (Công ty LHD) được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất với mục đích xây dựng khu dịch vụ thương mại tổng hợp, sản xuất và cung cấp sản phẩm gỗ nội thất và vật liệu xây dựng.
Nhưng thay vì thực hiện dự án đúng mục đích, chủ đầu tư đã “biến” nơi này thành cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo để thu lợi nhuận.
Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 24/02/2017, diện tích sử dụng đất gần 24.000m2, mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ, thời hạn cho thuê 50 năm, kể từ năm 2017. Dự án bao gồm các hạng mục: Xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm đồ gỗ, thanh nan xuất khẩu, vật liệu xây dựng, siêu thị mini, nhà xưởng lắp ráp thanh nan, nhà kho, nhà bảo vệ, trạm biến áp và các công trình phụ trợ khác.
Quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi đất của Công ty Cao su Thanh Hóa, giao Công ty LHD thuê sử dụng vào mục đích xây dựng khu sản xuất, dịch vụ thương mại nêu rõ: “Yêu cầu doanh nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích, mốc giới...”.
Từ thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao đất để triển khai dự án, Công ty LHD không đầu tư xây dựng các hạng mục theo dự án được lập, mà đã cải tạo mặt bằng, biến một phần cơ sở vật chất cũ thành nhà xưởng, lắp đặt hệ thống dây chuyền, máy móc, san gạt sân phơi để thu mua, chế biến lâm sản (gỗ keo).
Để chấn chỉnh hoạt động thu mua, chế biến lâm sản tại địa bàn, cuối năm 2023, UBND xã Bãi Trành đã tiến hành kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh của Công ty LHD. Kết quả đã yêu cầu doanh nghiệp này dừng hoạt động thu mua, chế biến lâm sản do hoạt động không đúng ngành nghề kinh doanh, không xuất trình được giấp phép băm dăm gỗ, nhưng vẫn tiến hành thu mua, băm dăm gỗ keo. Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu của chính quyền, Công ty LHD vẫn tiếp tục hoạt động.
Được biết, theo Giấy đăng ký chứng nhận kinh doanh (thay đổi lần 3) của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp cho Công ty LHD (ngày 11/11/2023), mã ngành 1621 có chi tiết: Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, gỗ dăm, ván mỏng khác. Trên thực tế, các doanh nghiệp đều được phép đăng ký ngành nghề kinh doanh đối với mọi ngành nghề không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mặc nhiên được tổ chức sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có trong giấp phép kinh doanh (cụ thể ở đây là băm dăm gỗ keo). Bởi hoạt động kinh doanh đó, theo cơ quan có thẩm quyền thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, trước khi thu mua, chế biến lâm sản, trước hết Công ty LHD phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, hoàn thiện các thủ tục về hoạt động chế biến băm dăm như giấp phép kinh doanh, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường và đầu tư xây dựng các hạng mục về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu.
Theo tìm hiểu, xác minh của PV và qua làm việc với UBND xã Bãi Trành được biết, cho đến thời điểm hiện tại, Công ty LHD chưa hoàn tất xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… theo quy định đối với hoạt động chế biến gỗ dăm. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng chưa đầu tư xây dựng các hạng mục như đã “vẽ ra” trong dự án đã được tỉnh phê duyệt, giao đất.
Ngoài ra, theo UBND xã Bãi Trành, vị trí khu đất Công ty LHD đang sử dụng thuộc đất dịch vụ thương mại. Theo quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất năm 2021 - 2030, vị trí này được điều chỉnh sang đất sản xuất kinh doanh. Nhưng quy hoạch điều chỉnh trên chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nên vẫn là đất dịch vụ thương mại. Ngoài ra, vị trí khu đất là đất trụ sở tổ chức sự nghiệp (trước kia thuộc sử dụng của Nhà máy Chè Bãi Trành) và cũng không phù hợp với quy hoạch đô thị Bãi Trành.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Trong số các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến lâm sản tại địa bàn huyện, Công ty LHD là một trong số ít các doanh nghiệp được đánh giá có đủ hồ sơ, thủ tục, điều kiện sản xuất nhất. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến phản ánh của báo chí, tới đây, huyện sẽ cho kiểm tra, làm rõ tính pháp lý trong việc sử dụng đất, các quy định cụ thể của pháp luật về đăng ký ngành nghề kinh doanh, thu mua và chế biến dăm gỗ… qua đó, có hướng xử lý thích hợp.
Được biết, để chấn chỉnh, xử lý tình trạng thu mua, chế biến lâm sản đang diễn ra phức tạp trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, với hàng loạt điểm thu mua, chế biến tự phát, vi phạm về đất đai, xây dựng, môi trường… thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ngành chuyên môn, các địa phương có đất rừng phải khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm, kể cả thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để tái diễn tình trạng này.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Như Xuân đã vào cuộc, kiểm tra lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính nhiều cơ sở vi phạm, trong đó có cơ sở đã bị buộc phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, do chưa chú trọng trong công tác hậu kiểm tra, xử lý, nhất là sự thiếu sâu sát, quyết liệt của chính quyền xã, thị trấn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động (trong đó có Công ty LHD).
Đáng lo ngại hơn, ngoài số doanh nghiệp, cơ sở vi phạm đã bị kiểm tra, xử phạt nhưng chưa chấp hành yêu cầu dừng thu mua, chế biến lâm sản, tại một số địa phương còn xuất hiện thêm tình trạng có tổ chức, cá nhân tự san lấp đất nông nghiệp, tiến hành lắp trạm cân.
Cá biệt, mặc dù đang trong thời điểm các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý “vấn nạn” này, nhưng tại xã Xuân Hòa vẫn xảy ra việc một cá nhân san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất nông nghiệp và đầu tư xây dựng các công trình trên đất. Mục đích để phục vụ cho việc thu mua, chế biến lâm sản. Vụ việc mặc dù đã bị phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng việc san lấp, nhưng chủ hộ lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn. Trong lần kiểm tra thứ hai, Đoàn liên ngành của UBND huyện lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng ban đầu của đất.
Qua thực tế trên, có thể nói, vụ việc mới xảy ra tại xã Xuân Hòa nêu trên, cũng như tại Công ty LHD và các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản khác trên địa bàn Như Xuân có xảy ra vi phạm, bước đầu đã được các cấp chính quyền huyện, xã vào cuộc kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý của chính quyền đến đâu, đã đủ mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trên hay không vẫn là câu hỏi đang chưa có lời giải.