Sôi động thị trường văn phòng cho thuê cao cấp tại trung tâm
Những chỉ dấu tích cực của nền kinh tế cùng sự trở lại mạnh mẽ của thị trường bất động sản đã và đang tạo động lực phục hồi cho nhiều loại hình, bao gồm cả phân khúc văn phòng.
Kinh tế dần hồi phục
Những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tươi sáng. Cả ba chân kiềng tăng trưởng quan trọng là đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng đều bật tăng. Hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ trong hai tháng đầu năm nay. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng hơn 2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng gần 19%...
Những thành tựu đầu năm 2024 cho thấy sức bền và sự năng động của Việt Nam, tạo tiền đề cho sự bứt phá của nền kinh tế trong cả năm 2024. Sự khởi sắc về kinh tế cũng minh chứng cho tính hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là những quyết sách về đầu tư công, về chính sách tiền tệ, mở rộng tài khóa, tạo động lực thu hút đầu tư, kích thích tiêu dùng…
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đề ra cho năm 2024, bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động và dòng vốn của doanh nghiệp; ổn định các mảng thị trường, đặc biệt là các thị trường liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cũng như phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành chiến lược và các lĩnh vực mới nổi…
Lực đẩy cho thị trường văn phòng
Bức tranh khởi sắc chung của nền kinh tế cũng tạo lực đẩy cho sự phục hồi của thị trường BĐS, đặc biệt là bất động sản văn phòng tại các thành phố lớn. Đây cũng là phân khúc ghi nhận nhiều điểm sáng thời gian qua với sự phục hồi tại các thị trường chủ chốt.
Báo cáo của CBRE ghi nhận, năm 2023 là năm bùng nổ nhất về nguồn cung thị trường văn phòng kể từ năm 2019, với 132.000 m2 diện tích cho thuê mới được hoàn thành tại Hà Nội và gần 170.000 m2 tại TP.HCM. Chủ yếu trong đó là các dự án văn phòng hạng A có vị trí thuận lợi. Cả hai thành phố lớn đều ghi nhận xu hướng ưa chuộng mặt bằng văn phòng có chất lượng cao từ khách thuê, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.
Còn theo Avision Young, trái ngược với tình hình chung trên toàn cầu, khi phân khúc văn phòng tại các thị trường quốc tế lớn đối diện với thực tế công suất thuê giảm, hầu hết tòa nhà văn phòng hạng A tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều duy trì tỷ lệ lấp đầy cao, kể từ đầu năm 2023.
Ví dụ nhận thấy rõ là tại các quận trung tâm (CBD) của Hà Nội và TP.HCM, các tòa nhà cao tầng mang tính biểu tượng duy trì hấp lực với các doanh nghiệp đa quốc gia, những tập đoàn danh tiếng hàng đầu thế giới.
Đơn cử, tại TP.HCM, tòa nhà văn phòng Vincom Center Đồng Khởi (68-70-72 Lê Thánh Tôn, quận 1) tỷ lệ lấp đầy đến 85%. Tòa nhà sở hữu vị trí đắc địa độc tôn với 3 mặt tiền hướng ra 3 tuyến đường sầm uất và nhộn nhịp bậc nhất là đường Đồng Khởi, đường Lê Thánh Tôn và đường Lý Tự Trọng. Từ khi đi vào vận hành năm 2010 đến nay, Vincom Center Đồng Khởi vẫn luôn là tâm điểm thu hút những doanh nghiệp tỷ USD, doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới, bất chấp những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế.
Dự báo từ năm 2024, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc văn phòng cho thuê sẽ tăng dần nhờ nguồn cung mới chất lượng cao hơn và điều kiện kinh tế được cải thiện, theo Cushman & Wakefield.
Triển vọng bứt phá dài hạn
Các chuyên gia đánh giá, phân khúc văn phòng cho thuê tại những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM có nhiều tiềm năng bứt phá, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt kỳ vọng cao vào việc gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý IV/2023 đạt 46,3 điểm. Triển vọng cho quý I/2024 cũng rất tích cực với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là “xuất sắc” hoặc “tốt”.
Trong khi đó, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng “Ổn định”. Đáng nói, chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng được kỳ vọng đạt mức 6-6,5% trong năm 2024.
Kinh tế dần có những chỉ dấu phục hồi rõ rệt và tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, mở ra tiềm năng phát triển dài hạn cho phân khúc bất động sản văn phòng. Các chuyên gia cho rằng đây vẫn là loại tài sản tạo ra dòng tiền tốt về lâu dài, đặc biệt tại Việt Nam, nơi môi trường kinh doanh rất năng động và văn hóa làm việc trực tiếp còn phổ biến.
“Văn hóa làm việc nơi đây rất khác. Người Việt Nam thích cộng tác trực tiếp, đào tạo tại chỗ và môi trường làm việc gắn kết. Đây là lý do khiến nhu cầu mặt bằng văn phòng vật lý chiếm ưu thế trên thị trường, không chỉ bây giờ mà còn nhiều năm sau nữa”, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam đánh giá.
Cũng theo vị chuyên gia, để Việt Nam phát huy lợi thế và “chen chân” vào cuộc đua thu hút vốn nước ngoài chất lượng cao, cần một luồng sinh khí mới cho loại hình bất động sản thương mại, bao gồm phân khúc văn phòng.