0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 03/03/2024 08:13 (GMT+7)

Sẽ xử lý sai phạm 19 dự án sau thanh tra ở Hưng Yên như thế nào?

Theo dõi KT&TD trên

Theo đó, 19 dự án có liên quan tới sử dụng đất tại tỉnh Hưng Yên được Thanh tra Chính phủ chỉ ra mắc hàng loạt sai phạm, kiến nghị xử lý.

Triển khai “hời hợt” Nghị quyết của Chính phủ

Mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, công tác quy hoạch, xây dựng của UBND tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2011 – 6/2022).

Sẽ xử lý sai phạm 19 dự án sau thanh tra ở Hưng Yên như thế nào? - Ảnh 1
Trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, Giai đoan 2011- 6/2022, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện kiểm tra, chỉ đạo các đơn vụ hoàn thiện các thủ tục về đất đai, quy hoạch xây dựng, kịp thời giải quyết khó khăn các vướng mắc. Qua đó, đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết 73 và 116 của Chính phủ, công tác quy hoạch, xây dựng; giao đất, cho thuê đất và xác định tiền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót.

UBND tỉnh Hưng Yên đã không ban hành chương trình hành động của tỉnh cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch năm theo Nghị quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn hạn chế. Đến nay, chưa hoàn thiện xong các thủ tục về giao đất, thuê đất, cấp GCNQSD đất.

Việc xây dựng kế hoạch bố trí dự toán ngân sách tối thiểu 10% nguồn thu ngân sách từ đất đai để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về quy hoạch, giá đất, hồ sơ địa chính… chưa được Hưng Yên triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, tỉnh Hưng Yên cũng chưa thực hiện công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đấy, cụ thể các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quá thời hạn thực hiện.

Về công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quy định phân cấp quản lý và phân công nhiệm vụ lĩnh vực quy hoạch xây dưng, kiến trúc có nhiều nội dung trái quy định.

Công tác xây dựng, lập danh mục các đồ án quy hoạch để bố trí vốn cho công tác quy hoạch, lập quy hoạch còn hạn chế, không đầy đủ. Đồng thời, việc tỉnh giao UBND các cấp huyện lập quy hoạch chung đô thị trên phạm vi ranh giới toàn huyện và giao cho một số tổ chức kinh tế lập quy hoạch là trái quy định.

Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan tổ chức, bàn giao mốc giới quy hoạch ngoài thực địa đối với các đồ án quy hoạch chung còn chưa tuân thủ quy định. Một số đồ án quy hoạch được phê duyệt nhưng không ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị…

Liên quan tới việc cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và một số dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, nhà ở, Thanh tra Chính phủ nhận định tỷ lệ đạt thấp. Nguyên nhân chính là do người sử dụng đất chưa hiểu rõ, thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ trong việc kê khai, đăng ký cấp GCNQSD.

19 dự án đều phát lộ sai phạm sau thanh tra

Thanh tra Chính phủ khẳng định, qua thanh tra 19 dự án sử dụng đất cho thấy, trong quá trình triển khai, thực hiện dự án vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Sẽ xử lý sai phạm 19 dự án sau thanh tra ở Hưng Yên như thế nào? - Ảnh 2
Phối cảnh Dự án khu đô thị phố Nối - một trong 19 dự án bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Hưng Yên.

Cụ thể: Có 07/19 dự án có hạn chế, thiếu sót về công tác quy hoạch xây dựng như: thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, vị trí khu đất thực hiện dự án không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch chung; quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 còn một số chỉ tiêu chưa đảm bảo về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc có thiếu sót về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng.

Một số dự án, thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó mới được điều chỉnh, cập nhật. Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, sau khi Thanh tra Chính phủ kết thúc thanh tra trực tiếp, UBND tỉnh đã từng bước khắc phục: có 02 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong đó đã cập nhật, điều chỉnh hạn chế, thiếu sót liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng;

Có 04/19 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; có 01/19 dự án lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa kịp thời áp dụng văn bản chuyển tiếp theo quy định hoặc có dự án khi phê duyệt chủ trương đầu tư ghi nhận bổ sung nội dung đơn vị thực hiện dự án đồng thời là đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước là không có cơ sở pháp lý vì theo quy định, chủ đầu tư là đơn vị có trách nhiệm thực hiện dự án.

Điều này dẫn đến việc giao đất để thực hiện dự án cho đơn vị thực hiện dự án mà không phải chủ đầu tư hoặc có dự án chậm lựa chọn chủ đầu tư dự án để thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt;

Có 16/19 dự án có hạn chế, thiếu sót trong việc xác định tiền sử dụng đất của dự án như: lựa chọn phương pháp định giá đất không phù hợp (theo quy định phải áp dụng phương pháp thặng dư nhưng lại áp dụng phương pháp so sánh để định giá đất); phân tích, lựa chọn tài sản so sánh không đảm bảo phù hợp quy định; xác định một số khoản doanh thu, chi phí không có cơ sở; việc đối trừ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí quản lý dự án bao gồm thuế VAT vào tiền sử dụng đất phải nộp không có cơ sở; áp dụng đơn giá, định mức, xác định khối lượng đối với một số hạng mục xây dựng trong chi phí xây dựng hạ tầng không đúng quy định; thời điểm xác định giá đất không đúng quy định; có dự án Cục thuế chậm thông báo nộp bổ sung tiền thuê đất sau miễn giảm; có dự án xác định thiếu diện tích tính tiền sử dụng đất;

Có 02/19 dự án xác định tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa chưa đúng với quy định của pháp luật tại thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính;

Có 5/19 dự án chậm phê duyệt giá đất, xác định bổ sung tiền sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc giao đất bổ sung, trong đó có dự án đã giao đất từ năm 2018, tuy nhiên đến thời điểm kết thúc thanh tra (tháng 5/2023) chưa phê duyệt giá đất (dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phân khu A – Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5 thuộc Khu đô thị Phố Nối);

Có 11/19 dự án còn hạn chế, thiếu sót như: chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư hoặc chưa thực hiện đúng mục tiêu ưu tiên xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trước nhà ở thương mại hoặc chưa thực hiện thủ tục nghiệm thu, quyết toán, bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý;

Một số chủ đầu tư chưa tuân thủ quy định về điều kiện chuyển nhượng nhà đất đối với khu vực có yêu cầu phải xây dựng nhà ở trước khi chuyển nhượng mà chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền; thi công xây dựng nhưng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng quy hoạch được phê duyệt.

Thông báo của Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thời kỳ có liên quan; Giám đốc, Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh thời kỳ có liên quan; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thời kỳ có liên quan; chủ đầu tư các dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan được nêu cụ thể trong kết luận thanh tra.

Xử lý sai phạm không có vùng cấm!

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Hải Lăng (Văn phòng luật sư NG Hoàng Hải và Cộng sự), cho rằng, trong hai năm 2023 và 2024 chúng ta đã chứng kiến hàng loạt quan chức cấp tỉnh như: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Khánh Hòa... bị bắt vì các sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Thậm chí, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng bị khởi tố. Như vậy, Đảng và Nhà nước rất quyết liệt xử lý, không có vùng cấm, không cần biết đối tượng sai phạm ở cấp nào cứ sai phạm là phải xử lý.

"Tuy vậy, tôi cho rằng để giải quyết tận gốc của vấn đề thì chúng ta cần phải đồng thời hoàn thiện bộ luật quan trọng nhất trong lĩnh vực này là Luật đất đai. Chúng ta cần phải khắc phục, hạn chế các lỗ hổng luật pháp. Ví dụ: Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất", Luật sư Lăng nêu ý kiến.

Cũng theo luật sư Lăng, có tình trạng rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất.

Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể. Biểu hiện cụ thể của nó là những sai phạm của các quan chức trong việc ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không qua đấu giá đấu thầu, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tài sản và ngân sách Nhà nước.

19 dự án sau thanh tra đã chỉ rõ những sai phạm và rồi đây hướng xử lý như thế nào để đảm bảo được tính minh bạch cũng như vai trò giám sát của các cơ quan có liên quan, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở những bài phân tích chuyên sâu tiếp theo.

Thu Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Sẽ xử lý sai phạm 19 dự án sau thanh tra ở Hưng Yên như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.