Sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng ra sao?
Dự kiến, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau lên đến 860 tỷ đồng, sau khi hoàn thành nâng cấp, sân bay đón được các loại tàu bay cỡ lớn như A321 (tối đa hơn 200 khách) hoặc Embraer 195 (124 khách).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, hiện sân bay Cà Mau có 1 đường cất, hạ cánh kích thước 1.500m x 30m, chỉ khai thác được các chặng bay ngắn bằng tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Chỉ có 1 đường bay duy nhất chặng Cà Mau – Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại với tần suất 4 chuyến/tuần. Theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt, sân bay này sẽ là cảng hàng không quốc nội, dùng chung dân dụng và quân sự. Từ 2021-2030, sân bay Cà Mau có cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp 2. Mỗi năm, sân bay đón khoảng 1 triệu hành khách và 1.000 tấn hàng hóa. Tầm nhìn đến năm 2050, công suất của sân bay sẽ được nâng lên khoảng 3 triệu hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm.
Tỉnh đang thực hiện nâng cấp, mở rộng sân bay. Quy mô đầu tư thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 105ha (thuộc địa bàn hai phường (phường 6 và phường Tân Thành, thành phố Cà Mau). Qua rà soát bước đầu của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, khi thực hiện dự án sẽ có 5 tổ chức và khoảng 742 hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng với tiền bồi thường, giải tỏa mặt bằng hơn 860 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất. Cùng với đó, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao một phần mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Đến năm 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phấn đấu bàn giao mặt bằng thi công phần còn lại vào đầu năm 2025 cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV).
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau xác định, thời gian qua, nguồn cung cấp các loại cát, đá đã và đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chỉ tính dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau cần khoảng 1,5 triệu m3 cát đắp nền, 300.000m3 cát hạt trung cho các hạng mục khác. Thời gian sử dụng tập trung vào những tháng đầu năm 2025.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, sân đỗ tàu bay phía Nam đường cất/hạ cánh đáp ứng khoảng bốn vị trí đỗ. Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch sân đỗ tàu bay phía Bắc đồng bộ với khu hàng không dân dụng mới, đáp ứng khoảng 10 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đáp ứng công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch nhà ga hành khách mới khu vực phía bắc đường cất/hạ cánh, công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Thời kỳ 2021-2030, quy hoạch kho hàng hóa phía Tây nhà ga hành khách, gần sân đỗ tàu bay hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 1.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch kho hàng hóa phía đông nhà ga hành khách mới, đáp ứng công suất khoảng 3.000 tấn hàng hóa/năm.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng dự án đến nơi ở, sản xuất ổn định, an toàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về phương án giải phóng mặt bằng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng có cuộc sống tốt hơn.