Quy hoạch xây dựng: Tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác quy hoạch xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển không gian đô thị, công nghiệp, du lịch... trên các vùng lãnh thổ. Quy hoạch xây dựng là công cụ quản lý, kiểm soát quan trọng việc triển khai đầu tư xây dựng.
Đồng hành cùng ngành Xây dựng trong 65 năm hình thành và phát triển, nhiều đồ án quy hoạch xây dựng đã được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện, trong đó có những đồ án quan trọng như Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khoảng 60 đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; hơn 40 đồ án quy hoạch chung khu kinh tế ven biển và cửa khẩu; hơn 800 đồ án quy hoạch chung đô thị... Đó chính là cơ sở pháp lý cho việc triển khai đầu tư xây dựng trên các vùng lãnh thổ cả nước.
Với chính sách đổi mới và hội nhập, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh về các mặt kinh tế - xã hội và đạt thành tựu to lớn. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi xã hội phải từng bước giải quyết, đặc biệt là đối với công tác quy hoạch xây dựng.
Nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch ngày càng tăng nhanh trong bối cảnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ; năng lực quản lý của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng và xã hội đối với công tác quy hoạch xây dựng chưa đúng mức...
Tình hình trên đã dẫn đến những bất cập trong công tác quy hoạch như chất lượng đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và xã hội, việc sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí; ô nhiễm môi trường đô thị; kiến trúc đô thị còn chắp vá, các đô thị mất dần bản sắc; cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ...
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/10/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch là một trong những giải pháp rất quan trọng.
Do đó, các cơ quan có thẩm quyền đã tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch năm 2017 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn các cấp cũng được quan tâm. Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, công tác quy hoạch xây dựng, trong những năm qua đã đạt những kết quả nhất định. Các quy hoạch xây dựng được phê duyệt là cơ sở hình thành các dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vùng nhằm tạo sự liên kết để khai thác hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại các vùng đô thị lớn, vùng kinh tế, vùng chức năng đặc thù; thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, bộ mặt đô thị được khởi sắc theo hướng văn minh và hiện đại; hình thành nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một được phát triển và cải thiện.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nâng cao hơn nữa vai trò của công tác quy hoạch xây dựng, trong thời gian tới, ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực quy hoạch xây dựng nói riêng cần phải tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, nghiên cứu, lập đề án đổi mới lý luận, phương pháp luận về quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu của tiến trình đô thị hoá, gắn kết với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiếp thu hợp lý kinh nghiệm quốc tế.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, khai thác được lợi thế đặc thù của từng địa phương và cần được quy định thống nhất trong cùng một Luật, nhằm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn.
Hai là, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở, bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, xây dựng cơ chế thu hút các nguồn kinh phí để đảm bảo các đồ án quy hoạch được lập đầy đủ, đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển; đẩy mạnh việc xây dựng quy hoạch gắn kế hoạch thực hiện quy hoạch phù hợp với nguồn lực đầu tư phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư.
Bốn là, bổ sung, hoàn thiện giáo trình đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư các chuyên ngành đô thị. Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng.
Sáu là, phối hợp với các chính quyền địa phương trong công tác tăng cường, chấn chỉnh toàn bộ công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, tập trung vào nhiệm vụ lập, thẩm định và phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; thẩm định đồ án quy hoạch chung các đô thị quan trọng như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng và Vụ Quy hoạch Kiến trúc sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Luật Kiến trúc, Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong việc giám sát, kiểm tra công tác thực hiện pháp luật về quy hoạch.
Trần Thu Hằng
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc