0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 21/04/2023 15:17 (GMT+7)

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế

Theo dõi KT&TD trên

Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông - Tây
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Xác định rõ mục tiêu phát triển

Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Quy hoạch xác định một số chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.

Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hòa, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Quy hoạch chỉ rõ tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển 4 vùng động lực quốc gia gồm Vùng động lực phía Bắc (Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (Tứ giác Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); Vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi); Vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long (Tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.

Phát triển các hành lang Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu…

Về phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, theo hướng đô thị xanh, thông minh. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh…

Chú trọng thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm

Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm. Do đó, việc Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại bằng các từ "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, thực hiện hiệu quả 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Các bên phải quán triệt nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông - Tây
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15…

Về cơ chế, chính sách, phải xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia; xây dựng cơ chế phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế ưu tiên…

Về thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường bất động sản, huy động nguồn vốn đầu tư; đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài; huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi, phù hợp để ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững.

Về phát triển nguồn nhân lực, tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư; xây dựng chính sách, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài về công tác tại Việt Nam hoặc cộng tác lâu dài với Việt Nam, cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc lâu dài tại các vùng khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội gắn với tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm đầu tư các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển; từng bước phát triển khu vực khó khăn thông qua xây dựng hạ tầng kết nối khu vực; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; tạo sinh kế, việc làm bền vững.

Về khoa học, công nghệ và môi trường, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế phù hợp; lựa chọn và triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt; tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại các đô thị lớn, lưu vực sông, biển; quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa…

Về nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối kinh tế trong và ngoài khu vực ASEAN; chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi với các thị trường lớn, quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; chủ động và tham gia tích cực các điều ước quốc tế, cơ chế hợp tác song phương, đa phương…

Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và vùng ven biển.

Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Bộ, cơ quan Trung ương và của địa phương; kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, trình cấp có thẩm quyền theo đúng thời hạn yêu cầu; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công các đơn vị thực hiện và người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp.

Về tiến độ triển khai quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương koàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023, đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch, nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cho chủ trương điều chỉnh. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện bằng văn bản, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ…

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông - Tây
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế Bắc – Nam, Đông - Tây

Yến Mai - Nguyễn Hà Ly - Phan Cao Khánh Huyền

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển 4 vùng động lực và các hành lang kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.