Ô tô nhập khẩu giảm mạnh dù được giảm thuế
Thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn đầy biến động. Dù các chính sách giảm thuế nhập khẩu đã được áp dụng nhằm kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên số lượng xe nhập khẩu trong những tháng gần đây lại sụt giảm đáng kể.
Điều này không chỉ gây bất ngờ cho giới kinh doanh mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về sức mua thực tế của thị trường.
Hiện tại, theo lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc đã bắt đầu giảm thêm khoảng 7% kể từ ngày 1/1/2025.

Đầu tiên phải kể đến là các loại ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và Mỹ. Đây là nhóm xe có tỷ trọng đáng kể tại thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam, sau các loại xe từ Đông Nam Á và Trung Quốc. Các xuất xứ này cũng đều có những thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như Ford, Toyota, Lexus, Honda, Nissan, Subaru, Mitsubishi…
Theo biểu thuế được ban hành để thực hiện Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kể từ ngày 1/1/2025, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước tham gia hiệp định, trong đó bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đã giảm từ 42% xuống còn 35%.
Nhóm ô tô nhập khẩu thứ 2 chiếm tỷ trọng đáng kể ở thị trường Việt Nam là xe từ các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó bao gồm Đức, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc.
Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2022 – 2027, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc (CBU) từ châu Âu sẽ giảm bình quân khoảng 7% mỗi năm, bắt đầu từ năm 2022 cho đến khi về 0%, dự kiến vào năm 2030.
Năm 2024, thuế nhập khẩu đối với đa số các loại ô tô chở người từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng phổ biến ở các mức 42,5%, 40,3% và 39% tùy chủng loại và dung tích xi-lanh động cơ.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các mức thuế suất này sẽ giảm thêm từ 6,7% đến cao nhất 7,8% so với hiện hành.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 43,9% (tương ứng giảm 5.655 chiếc) so với lượng nhập khẩu trong tháng trước.
Cụ thể, lượng nhập khẩu trong tháng này là 7.226 chiếc, tương ứng đạt 163 triệu USD. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 12.881 chiếc với trị giá đạt 304 triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, do nhu cầu thị trường, sau giai đoạn tăng trưởng nóng của năm 2024, nhu cầu mua ô tô của người dân có thể đã chững lại. Trước đó, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thông tin, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 1/2025 giảm mạnh đến 40% so với tháng 12/2024.
Một yếu tố khác không thể bỏ qua là tâm lý người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế chưa thực sự khởi sắc, nhiều người có xu hướng ưu tiên tiết kiệm hoặc chuyển sang các phân khúc xe giá rẻ hơn, thay vì lựa chọn các dòng xe nhập khẩu cao cấp. Điều này khiến các đại lý kinh doanh ô tô nhập khẩu gặp khó khăn trong việc đẩy hàng, dù đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, xu hướng giảm nhập khẩu này chỉ mang tính chất tạm thời. Khi kinh tế phục hồi và thu nhập người dân ổn định hơn, nhu cầu sở hữu xe nhập khẩu với các tiêu chuẩn công nghệ và an toàn vượt trội vẫn sẽ tăng trở lại. Để thích ứng, các doanh nghiệp nhập khẩu cần xây dựng chiến lược linh hoạt, tập trung vào phân khúc xe trung cấp và gia tăng dịch vụ hậu mãi nhằm thu hút khách hàng.

Bên cạnh đó, thị trường ô tô trong nước đang có dấu hiệu bùng nổ với các dòng xe lắp ráp nội địa ngày càng cải thiện về chất lượng và giá thành cạnh tranh hơn. Nhiều hãng xe lớn đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào sản xuất trong nước, dẫn đến việc giảm nhu cầu nhập khẩu. Chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và hỗ trợ vay vốn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lắp ráp nội địa chiếm lĩnh thị trường.
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển thị phần. Việc giảm nhập khẩu ô tô trong tháng 1/2025 cũng có thể coi đây là cơ hội để phát triển của các nhà sản xuất ô tô trong nước.
Các doanh nghiệp ô tô nội địa có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ trong nước, cải tiến sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng yêu cầu những sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Thực tế, dù ô tô nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 1/2025, nhưng ngành ô tô Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực từ sản xuất trong nước.
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025 vừa qua ước tính đã có tổng cộng 40.888 chiếc ô tô mới bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu được bổ sung cho thị trường Việt Nam. Con số này đã giảm 20,7% so với tháng 12/2024 liền trước (với tổng cộng 51.581 chiếc).
Trong đó, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 1 vừa qua ước đạt 34.700 chiếc, giảm 10,2% so với tháng 12 (38.700 chiếc) nhưng vẫn tăng tới 60,7% so với tháng 1/2024. Trái ngược với đà sản xuất ô tô trong nước vẫn được duy trì ở mức khá cao, xe nhập khẩu ghi nhận lượng giảm mạnh so với tháng trước.
Theo nhận định của các chuyên gia về thị trường ô tô, lượng xe sản xuất trong nước vẫn được duy trì ở mức tương đối cao trong tháng 1 là điều dễ hiểu bởi thời điểm cận Tết nhu cầu mua sắm ô tô của người dân vẫn ở mức cao, xe sản xuất đến đâu hầu như sẽ đến tay khách hàng đến đó.
Lợi thế của ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp trong nước không chỉ hưởng lợi từ chi phí nhân công thấp hơn mà còn có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường nhờ chuỗi cung ứng nội địa ổn định. Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cũng giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, từ đó tạo ra các dòng xe với giá thành hấp dẫn hơn. Các mẫu xe nội địa giờ đây không chỉ cạnh tranh về giá mà còn cả về công nghệ, tính năng và chế độ hậu mãi, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Tiến Hoàng