Nóng bỏng "cuộc đua" trên thị trường thương mại điện tử
Báo cáo mới đây của Metric.vn, cho thấy doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop trong năm 2023 đạt 233.200 tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra, doanh thu ghi nhận tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu chung là vậy, nhưng trức sức nóng của TikTok Shop các ông lớn như Shopee cũng phải dè chừng.
TikTok đang phả hơi nóng vào Shopee
Theo Metric, từ đầu năm tới nay, thị phần của Shopee tại Việt Nam gần như không thay đổi (chiếm trên 60%), đồng nghĩa TikTok Shop đang lấy đi thị phần từ các sàn khác với một tốc độ chóng mặt.
Mặc dù doanh thu và thị phần các sàn thương mại điện tử đều tăng, nhưng phía sau hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này lại xuất hiện sự chuyển dịch rõ nét.
Cụ thể, tính riêng năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đã rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Trong khi ở chiều ngược lại, hơn 95.000 nhà bán mới đã tham gia sàn TikTok Shop.
Ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 4/2022, TikTok Shop chậm chân hơn khá nhiều so với hai đối thủ hàng đầu trong mảng thương mại điện tử là Shopee (vào Việt Nam vào tháng 8/2016) và Lazada (tháng 3/2022). Tuy nhiên, TikTok Shop vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Thực tế, chỉ sau mấy tháng có mặt tại Việt Nam, TikTok Shop đã vượt qua Sendo và Tiki, trở thành nền tảng xếp thứ 3 trong thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Và tính đến đầu quý III/2023, TikTok Shop đã vượt qua Lazada, vươn lên vị trí số 2 tại Việt Nam chỉ xếp sau Shopee.
Bí mật sau sự tăng tưởng thần tốc của TikTok Shop chính là mô hình được xây dựng theo dạng shoppertainment, sự kết hợp giữa shopping (mua sắm) và entertainment (giải trí). Theo đó, người dùng TikTok Shop không chỉ mua hàng như truyền thống mà còn có thể thưởng thức các nội dung mới mẻ trên nền âm thanh vui nhộn, bắt tai. Lợi thế này của TikTok Shop xuất phát từ việc nền tảng này không tách rời khởi mạng xã hội TikTok. Vì vậy, khi gia nhập TikTok Shop, doanh nghiệp có nhiều cách để chủ động tiếp cận khách hàng hơn là chờ đợi khách hàng tự tìm mua sản phẩm của mình như trên những nền tảng thương mại điện tử khác.
Trong khi cuộc đua ở ngôi vị dẫn đầu đang vô cùng gay cấn thì ở phía sau, 2 sàn thương mại nội là Tiki và Sendo lại đang có doanh số khá khiêm tốn. Sự tụt lại của 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok Shop cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường “béo bở” này.
Cần phải nói thêm, rằng trước đó, Tiki được biết đến là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất và sớm ra mắt tại Việt Nam (năm 2010), tăng trưởng rất tốt trong giai đoạn đầu và nhận được tín nhiệm của người dùng, song những năm gần đây, tên tuổi ngày càng “mờ nhạt”.
Còn Sendo bắt đầu như một dự án sàn thương mại điện tử được FPT Online Service JSC phát triển. Tình hình kinh doanh của Sendo có sự thay đổi đáng kể qua các năm. Dù doanh thu giảm và rất bé so với đối thủ, song điểm sáng là khoản lỗ được thu hẹp dần trong giai đoạn 2020-2022.
Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và có thể đạt 650.000 tỷ đồng vào năm 2024, với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới, điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, đem lại dòng tiền khổng lồ cho các nhà bán hàng.
Các ông lớn đang nỗ lực làm mới mình
Theo các nhà phân tích, cuộc đua của các ong lớn trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đây có lẻ cũng là thời điểm để các doanh nghiệp cần nhanh chóng định hình lại, thay đổi cách tiếp cận của thương hiệu và giữ chân khách hàng.
Trên thực tế, không thể biết trước, liệu “chú ngựa ô” TikTok Shop có duy trì được lợi thế của mình hay không, vì giai đoạn đầu, sàn thường hỗ trợ sâu cho người bán. Dẫu vậy, trong khoảng một năm tới, TikTok Shop được đánh giá là còn nhiều cửa để phát triển.
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, sự lớn mạnh của TikTok Shop khiến các sàn khác buộc phải đẩy nhanh tái thiết, thay đổi chiến lược, đồng thời phải kết nối lại, quan tâm hơn đến các nhà bán hàng lớn, mở lại các chương trình hỗ trợ, phát mã giảm giá, giao hàng miễn phí nhiều hơn.
Điển hình, một trong những sự kiện gây chú ý trên thị trường thương mại điện tử những ngày qua là việc Lazada dự kiến sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Rõ ràng, sau khi bị Tiktok Shop soán ngôi số 2, ông lớn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc đang đẩy nhanh công cuộc tái thiết. Động thái sa thải nhân viên của Lazada được đánh giá là không quá khó hiểu, bởi để đi đến đích có lợi nhuận, buộc họ phải quyết liệt thực thi chiến lược “tiết kiệm từng xu”.
Trước đó, Shopee cũng từng phải thực hiện nhiều đợt sa thải liên tiếp, tác động đến hàng nghìn nhân viên.
Nếu như những thay đổi của Shopee đã giúp sàn này đạt được lợi nhuận lần đầu tiên, thì lựa chọn tái cấu trúc của Lazada cũng được các chuyên gia đánh giá là cần thiết trong thời điểm này.
Có thể thấy, 2023 là năm đầu tiên trong chu kỳ mới của thị trường thương mại điện tử, và mọi thứ dường như không dễ dàng bởi các "cơn gió ngược" như lãi suất tăng, áp lực lạm phát cao, xung đột chính trị... Hoàn cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, các doanh nghiệp buộc phải nhắm đến mô hình phát triển bền vững thay vì chỉ ganh đua những chỉ số ngắn hạn hay cạnh tranh về giá.
Có thể thấy, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển tới một giai đoạn hấp dẫn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong khi thương mại điện tử truyền thống vẫn chiếm ưu thế, thì các nền tảng mạng xã hội có dấu hiệu tăng tốc. Những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải liên tục thay đổi chiến lược để thích ứng trước bị bị tụt lại phía sau.
Minh Đức