Nới điều kiện vay bất động sản, ngân hàng lo lại rơi vào vòng luẩn quẩn của nợ xấu
Các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên nếu hạ ồ ạt thì nợ xấu sẽ tăng cao. Nếu các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung.
Vẫn là khó khăn trong thủ tục pháp lý
Theo ghi nhận từ ngày 23/8, nhóm 4 ông lớn ngân hàng hạ thêm 0.3 -0,5 lãi suất huy động ở các kỳ hạn, mở đường cho các đợt lãi suất cho vay tới đây. Hiện lãi suất cho vay trung hạn ở một số ngân hàng chỉ còn từ 8%/năm, giảm 2 - 4% so với đầu năm.
Chính vì lãi suất đang giảm, tín dụng với doanh nghiệp bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Nói về thực tế này, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống, do dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản) lại giảm 1,12%.
Từ số liệu trên có thể thấy, tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản năm nay tốt hơn năm ngoái, tuy nhiên người dân lại không muốn vay để mua nhà.
Đã nhiều doanh nghiệp bất động sản thừa nhận, doanh nghiệp họ luôn trong tình trạng khát vốn, tuy nhiên lại khó khăn trong thủ tục pháp lý. Quy trình, thủ tục hành chính, thực thi các văn bản pháp luật có sự chồng chéo, “đúng luật này, không đúng luật kia”.
Các chuyên gia về tài chính cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để các Bộ, Ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, song vẫn còn nhiều vướng mắc. Những vướng mắc cụ thể như, tính thực thi của người văn bản quy phạm pháp luật còn kém; có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; một số loại hình bất động sản mới ra đời nhưng chưa được định danh (như căn hộ condotel, farmstay, orestay…).
Nếu không tìm được điểm cân bằng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn
Có thể thấy, lịch sử khủng hoảng ngân hàng đặc biệt ở châu Á và Mỹ nguyên nhân chính là do các ngân hàng nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, cho vay sân sau, quá tập trung vào tín dụng bất động sản, khâu thanh tra giám sát không chặt.
Chính vì thế, việc nhiều chuyên gia lo ngại tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc vừa yêu cầu tín dụng hỗ trợ tăng trưởng, phát triển thị trường bất động sản, vừa giám sát chặt chẽ an toàn hệ thống là điều khó khả thi,
Chia sẻ với báo giới, GS – TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, với những quy định liên quan đến đủ mọi thứ rủi ro mang tính hệ thống như lĩnh vực ngân hàng, thì chân lý không hẳn thuộc về số đông. Rất khó tìm được điểm cân bằng phù hợp với mục tiêu vừa không cản trở phát triển thị trường bất động sản, vừa thỏa mãn mục tiêu ổn định hệ thống tài chính, vừa ổn định vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát… Và nếu điểm cân bằng xấu, hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra, việc giải cứu lúc đó phải trả giá lớn hơn rất nhiều.
Thực tế, nợ xấu tín dụng bất động sản đang tăng lên. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản vào cuối tháng 6/2022 là 1,53%, cuối tháng 6/2023 đã lên tới 2,47%.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt, thì chất lượng tín dụng xuống thấp, nợ xấu tăng cao. Trong khi đó, “cục máu đông” nợ xấu từ năm 2011 đến nay mới tạm xử lý xong. Nếu các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung.
“Hiện nay, thúc đẩy tín dụng là điều bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, không để nợ xấu tăng, đảm bảo an toàn hệ thống. Vì thế, giữa 2 dòng nước ngược chiều nhau, phải tìm được điểm cân bằng. Nếu vì sợ nợ xấu mà tín dụng đứng im thì cũng không được, mà thả phanh tín dụng cũng không ổn vì vấn đề không chỉ nợ xấu, mà còn là an toàn tài chính quốc gia. Đã có quá nhiều bài học, thậm chí có những bài học đau đớn như SCB. Chưa kể, một khó khăn kéo dài nữa mà chưa biết bao giờ giải quyết được, đó là ngân hàng đang phải gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vừa qua, chúng ta bắt đầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để giải quyết bài toán vốn trung, dài hạn. Nhưng sau đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp co lại và hiện nay lại phải tìm cách khơi thông” – Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Quang Anh