Nhiều dự án bỏ hoang, người dân vẫn khó tiếp cận nhà ở
Giá nhà đất đang bị đẩy lên cao đến mức phi lý, nhiều người thu nhập thấp không có cơ hội tiếp cận nhà ở, nhưng vẫn còn nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh việc sử dụng hiệu quả đất luôn là một bài toán cấp bách.
Thế nhưng, thực tế lại cho thấy nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài. Không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, tình trạng này còn tạo cơ hội cho một số cá nhân, tổ chức trục lợi bằng cách xây dựng trái phép, lấn chiếm công trình trên đất.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc ngân sách Nhà nước không thể thu được lợi nhuận từ các diện tích này, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy về mặt quản lý, xã hội và môi trường.
Khu đất tại số 220 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) được giao để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT. Khởi động từ năm 2005, nhưng sau gần 20 năm, nơi đây vẫn là một khu đất trống, còn là nơi chất rác thải tạo nên hình ảnh rất nhếch nhác cho khu vực.
Hay Dự án Usilk City thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long được khởi công từ năm 2008, gồm 9 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh, hiện đại. Tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Sau hơn 16 năm triển khai, phần lớn các tòa nhà nằm trong dự án mới chỉ đang xây thô đến tầng 4 - 5 và tiếp tục bị bỏ hoang, xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ dại, cây cối mọc um tùm.

Khu tái định cư ngõ 156 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai với gần 300 căn hộ, 8 năm sau hoàn thiện vẫn chưa có người về ở. Còn tại khu tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, 5 tòa nhà bám mặt đường lớn, nhưng cũng chỉ lác đác vài hộ dân. Long Biên có tới 3 khu chung cư tái định cư cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện khác của Hà Nội nhưng đang bị bỏ hoang.
Chưa kể trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều biệt thự “mua xong để đấy” không có người ở như khu đô thị Lideco, Nam An Khánh (Hoài Đức), khu đô thị Dương Nội (Hà Đông)...
Hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 14 nghìn căn hộ chung cư tái định cư đang trong tình trạng bỏ hoang, xuống cấp nhiều năm. Trong khi rất nhiều người dân không có nhà ở, hoặc muốn mua nhà ở giá rẻ cũng không có để mua. Việc để hoang hàng chục nghìn căn hộ tái định cư đang gây lãng phí rất lớn.
Bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực thu hút vốn FDI top đầu cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2% và duy trì vị trí thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư bất động sản nhìn thấy cơ hội nhưng thách thức còn lớn, sản phẩm bán ra đến người tiêu dùng có thật hay không? Gần hai triệu tỷ đồng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 16%, trong đó 2024 đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng trên 20%, tăng cao hơn tín dụng vào nền kinh tế.

Bao nhiêu người dân mua nhà thực tế để ở hay họ chỉ mua nhà thêm để đấy, có nhiều người mua đến ba, bảy ngôi nhà? Vì sao giá cao như vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn mua được, vẫn cho thuê được? Vì họ kỳ vọng được tương lai, vừa ăn chênh lệch nếu bán đi hoặc cho thuê. Nhưng đây là rủi ro lớn cho tương lai, cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Thiếu nhà, nguồn cung là thật nhưng người cần mua có mua được không? Tôi băn khoăn là chất lượng nhà ở hiện nay vẫn thế mà giá tăng gấp đôi. Trong khi đó, bao nhiêu nhà còn bỏ hoang mà thị trường vẫn thiếu. Rõ ràng, chúng ta thấy rõ vấn đề lãng phí”, ông Nguyễn Quốc Hùng đặt dấu hỏi.
Theo ông Hùng, ba Bộ luật đối với bất động sản ra đời sẽ không còn chuyện "tay không bắt giặc" nữa. Nêu ví dụ, ông Hùng nói: “Vì sao giá nhà tại phường Đồng Khởi (Thành phố Hồ Chí Minh) niêm yết của chính quyền là 700 triệu đồng/m2, nhưng giá trên thị trường lên 2 tỷ đồng/m2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa "tay không bắt giặc", ép ngân hàng cho vay. Nay sẽ không còn được như thế nữa. Đầu tư bất động sản cần nhà đầu tư lớn, người mua nhà cũng không phải lo sợ vấn đề gì pháp lý”.
Thách thức giá hiện nay lớn khi kỳ vọng quá cao, người dân băn khoăn giá ở mức này có giảm hay không? Ông Hùng khẳng định: "Chúng ta có lượng vốn 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nếu giải phóng được thì sức nóng thị trường bất động sản sẽ giảm. Nếu ngân hàng có lãi suất hợp lý, luồng tiền vào bất động sản còn lớn hơn, thậm chí cả nhà chung cư cao cấp”.
Về giá đất, hiện các tỉnh đưa ra giá đất là rất hợp lý, mức giá chênh so với trước đây 5-10% khá rất phù hợp. Còn thị trường hiện nay với mức chênh lệch 50-100% là không thể chấp nhận được
“Ngân hàng cứ cho vay, nhà đầu tư cứ mua nhà, người mua sau chênh giá người mua trước, rủi ro thì người mua cuối cùng sẽ gánh chịu hậu quả”, ông Hùng nói.
Bảo Thoa