0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 22/12/2023 14:02 (GMT+7)

Ngành hàng gỗ đối diện với nhiều thách thức lớn

Theo dõi KT&TD trên

Thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất; thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa...

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2023 đạt 12,1 tỷ USD, bằng 82,5% kim ngạch của năm 2022. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành hết 12 tháng năm 2023 sẽ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Thị trường xuất khẩu hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục tuy nhiên nhận định năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành hàng gỗ.

Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành. Các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.

Ngoài ra, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng, sẽ khiến sản phẩm có hàm lượng các bon cao trở nên mất tính cạnh tranh trên thị trường. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình ảnh của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Ngành hàng gỗ đối diện với nhiều thách thức lớn

Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2023 là một năm khó khăn của ngành gỗ nước ta. Nhu cầu sử dụng hàng hóa, đặc biệt là về hàng hóa không thiết yếu như đồ gỗ, giảm mạnh. Một số nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới đã phá sản. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa.

Mặc dù, xuất khẩu đến các thị trường chính giảm, kim ngạch xuất khẩu vào Ấn Độ và Indonesia tăng mạnh. Trong 10 tháng, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 93,13 triệu USD, tăng 3,87 lần so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia đạt gần 77,76 triệu USD, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ 2022. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch đạt trên 5,7 tỷ USD trong 10 tháng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 53,43% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, kim ngạch 1,43 tỷ USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 13,38% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Thứ ba là Nhật Bản, đạt 1,38 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 12,92% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hàn Quốc chiếm vị trí thứ tư, với 666,53 triệu USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 6,25% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. EU chỉ giữ vị trí thứ năm, kim ngạch 341,16 triệu USD, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong 10 tháng của năm 2023, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm: đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ. Trong đó, lớn nhất là đồ gỗ (HS 9403) xuất khẩu đạt 4,23 tỷ USD, chiếm 39,68% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt hàng ghế ngồi (HS 9401) đứng vị trí thứ hai, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD, chiếm 21,28% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Dăm gỗ (HS 4401.22) xếp vị trí thứ ba, kim ngạch xuất khẩu 12,07 triệu tấn, đạt 1,87 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 17,52% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mặt hàng gỗ dán/gỗ ghép xếp vị trí thứ tư, xuất khẩu trên 2,19 triệu m3, đạt 707,7 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 6,63% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Viên nén đứng thứ năm, xuất khẩu 3,85 triệu tấn, đạt 567,31 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 5,32% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Xếp thứ sáu là ván bóc, xuất khẩu 877,09 triệu m3, đem về 174,34 triệu USD, giảm 4,4% về lượng nhưng lại tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ.

Ngành hàng gỗ đối diện với nhiều thách thức lớn

Để đáp ứng các yêu cầu từ nhà nhập khẩu, ngành hàng gỗ cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Thông tin về những quy định mới của các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết tại thị trường EU, tháng 6/2023 EU đưa ra quy định mới về chống phá rừng (EUDR). Như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR trong tương lai có thể sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là yêu cầu về xác định chính xác vị trí địa lý lô đất sản xuất. Ngoài ra EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ cũng như nội thất của phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3 formaldehyde.

Riêng thị trường Đức, hiện nước này đang áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức đã yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải …Tại Mỹ, đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Đồng thời Mỹ cũng vừa đưa ra yêu cầu về việc Tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động. Thị trường Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững.

Để đáp ứng các yêu cầu từ nhà nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và quy định nhằm triển khai Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) và Thỏa thuận 301 (Hoa Kỳ). Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản được ban hành thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT và có hiệu lực vào tháng 1/2023, tập trung cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản liên quan đến các cấu phần kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ của VNTLAS. Trong thời gian tới, Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định chi tiết việc phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ được tiếp tục sửa đổi bổ sung nhằm mở rộng phạm vi và đối tượng được phân loại theo cam kết triển khai hệ thống phân loại các tổ chức (OCS) của VPA/FLEGT.

Mạnh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Ngành hàng gỗ đối diện với nhiều thách thức lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.