Nâng cao giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu tôm
Ngành tôm đang đứng trước thách thức lớn về giá, con giống, cạnh tranh, xu hướng tiêu dùng… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đưa ra cảnh báo ô nhiễm môi trường đối với các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4,3 tỷ USD. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lập kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Hiện nay tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia; trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Ảnh: NT.
Theo báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ngành tôm toàn cầu năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho thấy sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm nhẹ 0,4% so với năm ngoái. Nhưng theo dự báo, sản lượng tôm sẽ tăng khoảng 4,8% vào năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong nuôi tôm toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam là một trong năm quốc gia sản xuất tôm hàng đầu hiện nay, bên cạnh các nước như Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, đã chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu.
Ngành tôm Việt Nam đã tham gia sâu, rộng và thị trường thương mại tôm toàn cầu; do đó những biến động từ thị trường đều gây ra những tác động không nhỏ tới toàn bộ chuỗi sản xuất ngành hàng tôm trong nước. Xác định ngành hàng tôm giữ vai trò chủ lực, theo định hướng phát triển bền vững; Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án chương trình, đề án nhằm định hướng, giải pháp đảm bảo ngành hàng tôm của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào thị trường tôm toàn cầu.
Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Những năm qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều năm liền Cà Mau dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối năm 2023 sản lượng tôm nuôi ước đạt 233.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức, cụ thể như quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập; hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát; môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm, dịch bệnh khó xử lý; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi chậm phát triển, thiếu bền vững; các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao… nên khả năng cạnh tranh thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, thiếu bền vững.
Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản xuất tôm toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, thách thức chính là giá cả thị trường, chi phí thức ăn, phòng chống dịch bệnh và chất lượng tôm bố mẹ.
Để giải quyết những khó khăn, tồn tại của ngành tôm hiện tại, tỉnh Cà Mau đưa ra giải pháp cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn; đa dạng hóa hình thức đầu tư và thu hút nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào phát triển ngành tôm của tỉnh. Đặc biệt là đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao…, giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, hướng tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, ngành hàng này cần tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến tôm để sản xuất các mặt hàng gia tăng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau.
Áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào nuôi trồng, chế biến, bảo quản... góp phần nâng cao giá trị ngành hàng tôm.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành hàng tôm đứng trước những thách thức lớn từ giống, cách nuôi, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu… nhưng không thua kém bất cứ quốc gia nuôi tôm nào. Ngành tôm Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tham gia ở tất cả các chuỗi. Chính vì vậy các doanh nghiệp cùng với người nuôi đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch.
Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Thủy sản cần tổng hợp lại những tham luận này, từ đó cùng người nuôi, nhà khoa học, các địa phương trong nước tìm giải pháp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Thực tế đã chỉ ra, công tác phối hợp vẫn là khâu rất yếu, do đó thời gian tới, trong toàn ngành tôm cần phải đồng bộ khắc phục vấn đề này, vì mục tiêu chung đưa ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Lê Thư