0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 27/11/2023 08:22 (GMT+7)

Gỡ khó cho tôm hùm bông Việt Nam

Theo dõi KT&TD trên

Thời gian qua tôm hùm (tôm hùm xanh và tôm hùm bông) chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị "ách tắc". Việc tiêu thụ tôm hùm bông không có thương lái thu mua, làm giá tôm hùm bông giảm mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000 ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn

Hiện nay, Trung Quốc chiếm 98 - 99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD.

Gỡ khó cho tôm hùm bông Việt Nam - Ảnh 1

Đáng chú ý từ tháng 8 đến nay, Trung Quốc đưa ra quy định mới khiến việc xuất khẩu bị ách tắc. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu tôm hùm bông phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).

Ông Võ Văn Thái - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong với 32 xã viên cho biết, HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm bông thịt chưa thể xuất khẩu do chưa đáp ứng được giấy tờ, điều này tạo khó khăn cho xã viên trong thanh toán tiền đầu tư.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) thông tin, tôm hùm bông nằm trong nhóm II, Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam (theo phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

Từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.

Theo đó, tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện như: tôm hùm bông nuôi không được đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống phải là thế hệ F2.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về "Bảo vệ động vật hoang dã" từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc); thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm; các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký theo biểu mẫu mới để rà soát, tổ chức kiểm tra trước khi được phép xuất khẩu.

Theo ông Lê Bá Anh, để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc cần đảm bảo các yêu cầu như hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương.

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu. Theo đó, ngoài những quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất (đánh bắt hoặc nuôi); khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi.

Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, ông Tiến đề nghị các cục liên quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…

Sau khi Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, các cục liên quan rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng quy định của hai nước.

Ngoài ra, nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; tiếp tục trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật về quy định đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này; quản lý, kiểm soát chặt việc nhập khẩu đối với tôm hùm giống…

Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản; chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm, đặc biệt các cơ sở xuất khẩu tôm hùm bông.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó cho tôm hùm bông Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.