Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc
Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 98-99%, do đó việc ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường này đang khiến nghề nuôi tôm hùm bông tại nhiều địa phương gặp khó khăn.
Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” tôm hùm với hai vùng nuôi lớn là vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong. Nguồn gốc tôm giống hiện chủ yếu nhập khẩu Indonesia và Malaysia. Tôm giống này được nuôi trong môi trường mở, khó kiểm soát được mầm bệnh từ môi trường, thức ăn tự nhiên và dễ mắc nhiều loại bệnh khó kiểm soát, dẫn tới hao hụt. Trong nhiều năm qua, thực trạng nuôi tôm hùm tự phát diễn ra ồ ạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung và tại huyện Vạn Ninh, TP Cam Ranh nói riêng.
Theo báo cáo của UBND TP Cam Ranh, số lồng nuôi tôm, cá trên địa bàn xã Cam Lập khoảng 10.007 lồng (9.907 lồng tôm, 100 lồng cá). Riêng tại TP Cam Ranh, chính quyền đã vận động, tuyên truyền người dân không tự ý gia tăng số lượng lồng và di dời lồng vào khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản 230 hatại phía đông xã Cam Lập. Tuy nhiên, do tập quán nuôi tôm hùm lồng ven bờ lâu nay của người dân, đồng thời kinh tế của người dân Cam Ranh chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nên việc quy hoạch 230ha không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trồng của người dân thành phố.
Hiện hàng trăm tấn tôm hùm bông ở vùng nuôi các tỉnh Nam Trung Bộ đang bị ứ đọng, chưa thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc đang chiếm đến 98-99% thị trường xuất khẩu tôm hùm tươi sống của Việt Nam. Ngoài Trung Quốc, tôm hùm của Việt Nam vẫn xuất đi các nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng rất ít. Trung Quốc đã đưa tôm bông vào danh sách loài quý hiếm, cần bảo vệ. Việt Nam cũng liệt loài này vào nhóm II, danh mục thủy sản nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ như Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm khiến người dân đứng trước nguy cơ đổ nợ. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo bởi ngành nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung phát triển quá nóng.
Hiện nay, Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang thị trường này). Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022. Hiện hàng trăm tấn tôm hùm bông ở vùng nuôi các tỉnh Nam Trung Bộ đang bị ứ đọng sau khi Trung Quốc xếp tôm hùm bông vào danh mục các loài động vật nguy cấp hoang dã cần được bảo vệ.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm bông gồm: Từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, theo đó đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc sẽ cần đảm bảo các yêu cầu: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương. Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).
Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu… Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 để hướng dẫn thống kê, đăng ký).
Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt. Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, sẽ phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Các ngành chức năng đang triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu mặt hàng tôm hùm bông. Ảnh: TQ.
Để tháo gỡ vướng mắc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi Cục Thủy sản đề nghị 2 việc: Chỉ đạo địa phương thống kê các cơ sở nuôi tôm hùm bông đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật của phía Trung Quốc; tiếp tục trao đổi với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu, làm rõ Danh mục các loài thủy sản nguy cấp cần được bảo vệ và các quy định quản lý có liên quan để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện; Văn bản gửi các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đề nghị thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin cơ sở bao gói, cơ sở nuôi cung cấp cho cơ sở bao gói. Các sơ sở nuôi được thống kê phải đáp ứng các quy định của Việt Nam (về nuôi trồng thủy sản) và các quy định của Trung Quốc (về giống, quá trình nuôi).
Ngay sau khi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận được danh mục các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đăng ký, sẽ đối chiếu với các hộ nuôi đã được Cục Thủy sản chỉ đạo địa phương thống kê, thẩm định, đối khớp hai danh sách này lại với nhau. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ ngay lập tức gửi đăng ký với phía Trung Quốc đối với những cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm đáp ứng đủ yêu cầu.
Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp đang triển khai; duy trì và nắm bắt kịp thời và thường xuyên các nguồn thông tin để báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sự rất cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Thủy sản.
Trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản 2017. Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm (đặc biệt các sơ sở xuất khẩu tôm hùm bông), cơ sở ương dưỡng giống tôm hùm.
Mạnh Dũng