Phát triển ngành hàng tôm ít phát thải
Việt Nam cần chuyển đổi hệ thống chuỗi giá trị tôm theo hướng xanh, các bon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong...
Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 10 năm (2012-2022), diện tích nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam đã tăng gấp 1,2 lần; sản lượng tăng gấp 2,29 lần: từ diện tích nuôi 644 nghìn ha năm 2012 đã đạt 737 nghìn ha năm 2022; sản lượng tôm nước lợ thu hoạch từ mức 463 nghìn tấn năm 2012, đã đạt 1,014 nghìn tấn năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tôm đã tăng gấp 2,27 lần, từ 2,1 tỷ USD năm 2012 đã đạt 4,3 tỷ USD năm 2023.
Đến nay, đã hình thành các tỉnh trọng điểm, vùng nuôi tôm tập trung công nghệ cao; hình thành vùng sản xuất giống tôm tập trung (2.224 cơ sở). Hiện cả nước có hơn 500 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, trong đó có 96 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Cả nước hiện có 500 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm với tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên nhiều tồn tại, hạn chế trong nuôi tôm đã được chỉ ra. Trong đó, mức độ thâm canh/ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi mới vào sản xuất đã được trú trọng nhưng chưa cao. Hiện chưa chủ động nguồn giống, phụ thuộc nguồn tự nhiên và nhập khẩu. Cùng với đó, liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp. Hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nhỏ đa số; nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường.
Ngành tôm Việt Nam đối diện những thách thức của ngành tôm Việt Nam hiện nay, đó là: suy thoái môi trường và bệnh dịch; chất lượng đầu vào (giống, thức ăn, hóa chất…) khó kiểm soát; tổ chức sản xuất và năng lực kỹ thuật còn hạn chế; mức độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém; tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp (hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật). Nước thải, phân và các chất bài tiết của tôm; bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu trong môi trường. Các nguồn phát thải này góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (phát thải khí CO2, SO2, PO4) và làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.
Mô hình canh tác lúa – tôm hữu cơ cho thấy những kết quả về giảm phát thải từ nuôi tôm, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP 26, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0. Thực hiện cam kết này, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giảm pháp để giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì thành lập nhóm Hợp tác Công tư (PPP) ngành hàng Thủy sản từ năm 2011. Từ 4 thành viên tham gia ban đầu, đến nay Nhóm PPP Thủy sản đã mở rộng lên 7 thành viên. Nhóm PPP ngành hàng Thủy sản đã và đang huy động được nhiều nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ sản xuất và chế biến thủy sản tại Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính
Nhóm PPP ngành hàng Thủy sản đã ký MoU (bản ghi nhớ hợp tác) giữa 7 đối tác triển khai dự án thúc đẩy chuỗi giá trị tôm -lúa theo hướng chứng nhận quốc tế. Dự án đã thực hiện thí điểm trên 12 hộ thuộc 2 hợp tác xã tại xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau từ tháng 12/2021, thả nuôi tôm trong ruộng lúa, canh tác theo hướng hữu cơ. Trong ruộng lúa, các loại tảo khuê, tảo lam phát triển, trở thành thức ăn cho tôm, nhờ vậy giảm đến tối đa lượng thức ăn công nghiệp cho tôm. Phân do tôm thải ra sẽ trở thành dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, nên không cần sử dụng phân bón hóa học. Trong khuôn khổ của dự án, 30 cán bộ thủy sản đã được đào tạo năng lực; 279 nông dân được đào tạo về quy trình kỹ thuật tôm-lúa theo hướng hữu cơ; 150 nông dân được đào tạo chứng chỉ quốc tế (ASC, EU Organic).
Kết quả kiểm nghiệm trong các mô hình canh tác lúa – tôm hữu cơ cho thấy, chất lượng nguồn nước đảm bảo cho việc phát triển mô hình nuôi tôm-lúa theo hướng hữu cơ dựa trên những chỉ tiêu phân tích. Với ứng dụng vi sinh trong quá trình nuôi giúp chất lượng nước ổn định, tảo lục và tảo khuê chiếm ưu thế, trong khi hạn chế sự phát triển của tảo mắt và tảo lam phát triển. Nhóm sinh vật đáy được cải thiện góp phần làm tăng năng suất tôm nuôi
Ngoài ra, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Ở khâu nuôi tôm, do sử dụng các dạng năng lượng dầu/xăng, điện, vôi, phân bón, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều gây ra phát thải. Đối với công đoạn chế biến tôm, việc sử dụng dầu/xăng, điện, khí NH3 và các dung dịch làm lạnh khác, các khâu vận chuyển/lưu kho đều gây ra phát thải khí nhà kính.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã đo lường lượng phát thải khí nhà kính đối với từng mô hình nuôi tôm (kgCO2 tương đương/kg tôm tươi) cho thấy: Nuôi thâm canh 9,3; nuôi siêu thâm canh 11,7; nuôi siêu thâm canh theo ASC 12,5. Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh lại vô cùng thấp, tiệm cận mức Nét – Zero: Nuôi tôm rừng 0,8; Nuôi tôm rừng hữu cơ 0,3; Nuôi tôm quảnh canh cải tiến 07; mô hình lúa – tôm chỉ 1,3.
Cùng với các ngành hàng khác thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Đầu vào “xanh” – Tái sử dụng tất cả các nguồn “thải” cho một quy trình sản xuất khác. các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ (N, P,…).
Trước giai đoạn cao điểm xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2023, nhu cầu thị trường thế giới có thể có biến động khó dự đoán do lạm phát, cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác. Định hướng phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021.
Trong đó cần tập trung các nội dung liên quan trực tiếp tới mặt hàng tôm thế mạnh của tỉnh, như: chọn giống các đối tượng nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu giống; tổ chức sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động cải tiến, hỗ trợ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và biện pháp phù hợp để dần cải thiện những tồn tại hiện có và ngày càng gia tăng giá trị, chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm tôm nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vũ Mạnh