Lâm Đồng: Xử lý, kỷ luật nghiêm đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tuyệt đối không để công việc tồn đọng, kéo dài, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc và kỷ luật nghiêm đối với hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/UBND ngày 03/10/2024 Về việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất giải quyết công việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ tồn đọng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu; các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan, địa phương, đơn vị) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương… Một số cơ quan, địa phương, đơn vị ít quan tâm nghiên cứu đề xuất chủ trương chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập, nhiệm vụ còn tồn đọng. Tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị, vai trò người đứng đầu còn mờ nhạt, thiếu quyết đoán; tập thể lãnh đạo chưa thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận cao; kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng đúng mức.
Nhằm khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại nêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thành viên UBND tỉnh, Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Chỉ thị, văn bản nêu trên; đồng thời, nghiên cứu kỹ Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết công việc bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiến hành rà soát tổng thể và khẩn trương tham mưu xử lý dứt điểm các công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao còn tồn đọng trong thời gian qua; đồng thời, chủ động, tích cực, thường xuyên rà soát công việc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với tiến độ, chất lượng và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao hoặc các nhiệm vụ được phân công, ủy quyền; tuyệt đối không để công việc tồn đọng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Chủ động kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (thuộc thẩm quyền ban hành của Trung ương và địa phương) và trong quá trình áp dụng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án… để báo cáo UBND tỉnh hoặc tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý được tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được giao, học tập kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị làm tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, hiệu quả giải quyết công việc và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt, vận động và có hình thức động viên phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tự tin, tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; sớm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.
Trực tiếp chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc nội bộ của cơ quan, địa phương, đơn vị; tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa, đơn giản hóa những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết; cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, chất lượng và rút ngắn thời gian giải quyết công việc.
Chủ động kiểm tra, phát hiện những khâu yếu, bộ phận yếu, người thực thi công vụ yếu, thiếu trách nhiệm để kịp thời chấn chỉnh, củng cố, chuyển đổi vị trí công tác, thay thế nhằm giải quyết công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Có cơ chế giám sát, hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng...
Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, địa phương, đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ được giao bảo đ chất lượng, tiến độ được giao và phù hợp quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh cần chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật. Tiến hành rà soát, kịp thời bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện Quy chế làm việc của UBND cấp huyện, cấp xã bảo đảm phù hợp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương. Chỉ đạo, chấn chỉnh, động viên nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chất lượng tham mưu, hiệu quả giải quyết công việc và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định; khắc phục tình trạng trì trệ, tồn đọng công việc, đặc biệt là các công việc, nhiệm vụ liên quan đến chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm của địa phương, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp… đã để chậm trễ, kéo dài, gây bức xúc. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương chưa được thực hiện tốt (như: thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, chống phá rừng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự xây dựng, trật tự mỹ quan đô thị…) để tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, dứt điểm.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; chủ động giải quyết dứt điểm đơn, thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; không để công dân kiến nghị vượt cấp và chờ cấp trên giải quyết thay; không để phát sinh “điểm nóng” hoặc các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đông cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; xây dựng kế hoạch và có giải pháp phù hợp để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này đối với các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị gắn với việc đánh giá thực chất kết quả thực hiện cải cách hành chính, thi đua, khen thưởng, kỷ luật hàng năm. Kịp thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đồng thời, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân quyết liệt trong thực thi công vụ, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung.
Thanh Tùng