Nhà đầu tư trong nước mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7
Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 7 tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 11 tháng (kể từ tháng 8/2022). Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước cao hơn 100.000 đơn vị, sau khi chạm đáy vào tháng 4.
Số tài khoản cá nhân mở mới lại bùng nổ
Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới đến 150.351 tài khoản chứng khoán vào tháng 7 vừa qua trong khi các NĐT tổ chức mở mới 56 tài khoản.
Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 7 tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước, đồng thời là mức cao nhất trong vòng 11 tháng (kể từ tháng 8/2022). Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước cao hơn 100.000 đơn vị, sau khi chạm đáy vào tháng 4.
Tính đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,4% dân số.
Trong tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 212 tài khoản, tăng 16 đơn vị so với con số 196 tài khoản của tháng trước đó. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 184 tài khoản, tổ chức mở mới 28 tài khoản trong tháng vừa qua. Thời điểm cuối tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 44.094 tài khoản.
Dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ
Nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong trong tháng 7/2023 đã góp phần giúp hiệu suất thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 21,4% so với đầu năm vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ (+19,3% so với đầu năm), Hàn Quốc (+17,7% so với đầu năm) và chỉ xếp sau Nhật Bản với mức tăng 27,1% so với đầu năm.
Khối ngoại ghi nhận bán ròng 1.926 tỷ đồng trong tháng 7/2023 (gấp 4,7 lần so với tháng trước) chủ yếu là do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam quay đầu giảm và trở nên kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất một số thị trường trong khu vực và các thị trường phát triển khác.
Sau khi bán ròng 1.926 tỷ đồng trong tháng 7/2023, giá trị mua bán ròng lũy kế từ đầu năm 2023 của khối ngoại giảm còn 11 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại tiếp tục duy trì ở mức thấp 6,9% trong tháng 7/2023 trong bối cảnh dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ những tháng vừa qua.
Sự gia tăng số lượng tài khoản mở mới đã góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh trong tháng 7. VN-Index tăng tới hơn 9% cũng như thanh khoản trở nên sôi động hơn, nhiều phiên liên tục được đẩy lên ngưỡng kỷ lục mới. Riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cả tháng 7 đạt trên 16.700 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022.
Báo cáo chiến lược “Kinh tế vĩ mô & Thị trường chứng khoán tháng 8” của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết việc thanh khoản của thị trường bùng nổ trong 7 tháng đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền cho vay của các công ty chứng khoán.
Tính đến cuối quý II, tổng nợ vay của 30 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất thị trường đạt 142.364 tỷ đồng, tăng mạnh 19,7% so với cuối quý trước. Trong thời gian tới, với việc triển vọng thị trường đã được cải thiện và các công ty chứng khoán vẫn đang triển khai các chương trình giảm lãi vay và phí giao dịch, kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đổ về thị trường.
Sự bùng nổ này giúp hầu hết các ngành ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng qua cả về mặt giá trị và thanh khoản. Trong đó, nổi bật nhất là bán lẻ, bất động sản và nông và hải sản.
Xét về nhóm nhà đầu tư, cá nhân tiếp tục chốt lời tháng thứ hai liên tiếp với giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, khối ngoại chuyển sang bán ròng hơn 400 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền của tổ chức trong nước tiếp tục là động lực cho thị trường khi mua vào gần 2.000 tỷ đồng.
Trung Anh