Thị trường khởi sắc, các công ty chứng khoán kinh doanh thế nào trong nửa đầu năm?
Thanh khoản thị trường tăng mạnh, có phiên lên tới 1 tỷ USD, giúp các công ty chứng khoán cải thiện kinh doanh. Kết quả kinh doanh quý II của các công ty chứng khoán tăng ấn tượng hơn quý I.
Lãi đậm nhờ hoạt động tự doanh
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang hồi phục, chỉ số kinh doanh của Chứng khoán VIX gây ấn tượng với đà tăng hai chữ số. Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, doanh thu VIX đạt hơn 688 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Quy mô tự doanh của công ty tính theo giá trị hợp lý là 4.703 tỉ đồng với cổ phiếu niêm yết chiếm 50%, trái phiếu chiếm 24%, còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ ở mức 461 tỷ đồng, tăng 94,5% so với quý 2/2022, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 154,5 tỷ đồng, hoạt động cho vay và phải thu đạt gần 50 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động ghi nhận gần 960 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính là doanh thu đến từ hoạt động tự doanh ghi nhận hơn 674 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đến từ các nghiệp vụ như môi giới, các khoản phải thu và cho vay, bảo lãnh phát hành… đạt 285 tỷ đồng. Kết quả, VIX lãi ròng 576 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) cũng ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 501 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng trong quý 2/2023. Trong đó, các mảng hoạt động mang về nguồn thu lớn nhất vẫn là cho vay, môi giới và tự doanh. Trong kỳ, hoạt động tự doanh đã đem lại lợi nhuận cho Vietcap. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 101 tỷ đồng trong khi lỗ từ FVTPL chỉ ở mức gần 36 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 61 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng.
Tại chứng khoán BIDV (BSI), lãi từ các tài sản tài chính FVTPL trong kỳ ghi nhận 121 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cho vay margin cũng tăng mạnh lên 107 tỷ đồng trong khi nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm còn 67 tỷ đồng. Tổng cộng doanh thu 316 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí hoạt động, BSI báo lãi trước thuế 154 tỷ đồng tăng gấp 500 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSI lãi sau trước thuế gần 276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Danh mục tự doanh, BSI đã nâng tỷ trọng đối với hầu hết các cổ phiếu trong danh mục gồm FPT, HT1, STB, IDC, MWG và các cổ phiếu này đều đang có lời. Trong danh mục cổ phiếu chưa niêm yết, Công ty đang nắm giữ cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phan Vũ và Bưu chính Viettel - VTP. Ngoài ra, BSI cũng nắm gần 242 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) cũng ghi nhận hoạt động khởi sắc ở mảng tự doanh. Trong quý 2/2023, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 1.574 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 25% còn 360 tỷ đồng. Doanh thu môi giới giảm 25% còn gần 336 tỷ đồng. Các nguồn thu khác như doanh thu bảo lãnh phát hành, doanh thu hoạt tư vấn cũng ghi nhận kết quả thấp hơn cùng kỳ.
Điểm sáng duy nhất của SSI chính là nghiệp vụ tự doanh. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 2/2023 đạt 692 tỷ đồng tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ tài sản tài chính FVTPL sụt giảm mạnh gần 90% về còn 32,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, mảng tự doanh của SSI lãi hơn 644 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Chứng khoán SSI báo lãi sau thuế quý 2 hơn 525 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu hoạt động hơn 3 ngàn tỷ đồng, giảm 15% và lãi trước thuế hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, giảm 9%.
Dư nợ margin tăng vọt
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý2/2023 của 40 công ty chứng khoán đang niêm yết và chưa niêm yết đại diện 96% tổng vốn chủ sở hữu của ngành chứng khoán cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường ở mức 143,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2023, tăng 24,4 nghìn tỷ đồng (+20,5%) so với cuối quý 1/2023 và +0,9% so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm dư nợ margin đạt đỉnh, dư nợ cuối tháng 6/2023 thấp hơn khoảng 41 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay margin tăng 28,4 nghìn tỷ đồng trong khi năm 2022, các các công ty chứng khoán đã cắt gần 60,8 nghìn tỷ đồng cho vay margin. Tại cùng thời điểm 30/6, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán ước tính lên đến hơn 207.000 tỷ đồng, cũng tăng khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối quý 1. Tỷ lệ Margin/VCSH tương ứng đạt gần 70%.
Con số này cao hơn so với mức thấp nhất nhiều năm (khoảng 60%) ghi nhận trong giai đoạn từ quý 4/2022 đến 1/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 120% được duy trì thường xuyên suốt giai đoạn năm 2021 đến đầu 2022.
Diễn biến về dư nợ cho vay margin trong quý 2/2023 xuất phát từ tâm lý giao dịch tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân khi các yếu tố tiêu cực đã diễn ra và được phản ánh vào các nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn trước đó. Trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng gần 9,5 nghìn tỷ đồng trong quý 2 này sau khi bán ròng với giá trị tương đương trong quý 1 trước đó.
Dư nợ cho vay margin tăng giúp cải thiện thanh khoản. Với dư nợ cho vay margin tăng 20,5% so với quý trước, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE và HNX (chỉ tính khớp lệnh) trong Q2/2023 tăng mạnh 43%, chủ yếu tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID tăng 64,5% và vốn hóa nhỏ VNSML tăng 53%.
Số dư tiền của nhà đầu tư tại các Công ty chứng khoán tăng trở lại
Theo thống kê , số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ so với quý trước, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2023.
Quý 2 năm nay là quý đầu tiên lượng tiền của nhà đầu tư tại CTCK tăng trở lại sau 4 quý liên tục trước đó sụt giảm.
VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, đạt hơn 14.700 tỷ đồng, tăng gần 1.700 tỷ so với cuối quý 1 nhưng sụt giảm 2.600 tỷ so với đầu năm. VPS hiện là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên ba sàn HoSE, HNX, UPCom và cả thị trường phái sinh. Do đó việc có lượng lớn tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản cũng là điều không quá bất ngờ.
VNDIRECT vẫn giữ vững vị trí số 2 về dư tiền gửi khách hàng với gần 6.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là SSI (4.600 tỷ đồng), TCBS (4.400 tỷ), VCBS (3.500 tỷ đồng), MBS (3.300 tỷ đồng)…
Thực tế, lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với chính tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, lãi suất cho vay hạ nhiệt cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán, qua đó giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay margin. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại, giúp dòng tiền hào hứng gia nhập thị trường hơn.
Trung Anh