Kỳ vọng ngành bán lẻ tăng trưởng trong năm 2025
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6%
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ thời gian qua. Cụ thể, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng năm 2025. Chỉ số này phấn đấu tăng trưởng 12% so với năm 2025. Báo cáo Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam 2024 và Triển vọng 2025 do KPMG công bố mới đây nêu rõ, tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2025.
Theo đó, mục tiêu tổng bán lẻ tiêu dùng tăng 12% trở lên trong 2025 được cho là sẽ được thúc đẩy bởi việc tăng lương, chi trả chế độ cho cán bộ từ tinh giản bộ máy và tiếp tục giảm thuế tiêu dùng. Bên cạnh đó, du lịch cũng được dự báo sẽ phục hồi mạnh với 22 - 23 triệu khách quốc tế từ việc đơn giản hóa và mở rộng thị thực nhập cảnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của người dân cải thiện bởi các yếu tố như thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm 2% với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025; cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử, xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong năm 2025.
Còn theo Nielsen IQ (công ty phân tích dữ liệu và đo lường toàn cầu), năm 2025, tổng mức chi tiêu toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,5% so với năm ngoái, tương đương có thêm 131 triệu người mới bước vào tầng lớp “tiêu dùng”. Trong đó, Việt Nam ghi nhận thêm 3,8 triệu người thuộc tầng lớp này, xếp thứ 5 trên tổng số 17 quốc gia có trên 1 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng trong năm 2025.
Khảo sát của Nielsen IQ cũng chỉ ra rằng, xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2025 sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ. Cụ thể, người tiêu dùng có ý định tăng chi tiêu vào các mặt hàng như tiện ích, hàng tạp hóa và đồ gia dụng, đặc biệt là các sản phẩm đồ tươi sống; các sản phẩm bị cắt giảm chi tiêu bao gồm các hoạt động giải trí ngoài nhà, đồ dệt may và sản phẩm công nghệ...
Có thể thấy, bán lẻ hàng hoá là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đây là lý do các doanh nghiệp lớn của ngành bán lẻ đã và đang nỗ lực đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, nhằm đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường nội địa trong năm 2025.
Tuấn Minh