Ngành bán lẻ tận dụng cơ hội từ smartphone để tiếp cận khách hàng
Trong thời đại 4.0, điện thoại thông minh (smartphone) đang dần trở thành thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng smartphone để giao tiếp với các thương hiệu, tiếp cận các nội dung tiêu dùng và thực hiện giao dịch mua sắm.
Gia tăng trải nghiệm mua sắm trực tuyến
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện 75% người Việt đã dùng internet. Trong số đó, có 74,8% mua sắm trực tuyến và có đến 91% người dùng điện thoại thông minh (smartphone) để đặt hàng trực tuyến. Còn theo báo cáo của Insider Intelligence về thị trường người dùng smartphone tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 – 2026, trong năm 2022, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam đạt khoảng 62,8 triệu người, tăng 3,6% so với năm trước và chiếm 96% lượng người dùng internet trên cả nước. Năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố cho thấy số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến. Thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống.
Bên cạnh đó, với sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất điện thoại ở phân khúc bình dân, việc sở hữu một chiếc smartphone đã trở nên rất dễ dàng. Cùng với chủ trương tắt sóng 2G, việc phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân là một trong những mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên khi nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, tham gia sâu hơn vào các dịch vụ số, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bán lẻ đa kênh đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây với việc giúp các nhà bán lẻ thu hút nhiều khách hàng hơn trong cùng một thời điểm bán. Khi điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi và kết nối internet tốt hơn, bán hàng trực tuyến đang được xem là phương thức không thể bỏ qua để thúc đẩy bán hàng và tạo ra doanh thu. Sự bùng nổ của smartphone không chỉ giúp cho các website thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp cận người mua hàng thuận tiện hơn, mà còn là công cụ cần thiết để các nhà bán lẻ nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trải nghiệm mua sắm thông qua các công nghệ tích hợp.
Xu hướng công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến. Tiêu biểu nhất chính là công cụ chatbot dùng để tương tác với khách hàng. Đây là xu hướng công nghệ được dự đoán sẽ bùng nổ nhất. Các chatbot AI được tích hợp có thể giúp người tiêu dùng được hỗ trợ nhanh nhất và trực tiếp. Thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) cũng nổi lên như một trong những công cụ trải nghiệm khách hàng được các thương hiệu đánh giá cao. AR giúp chuyển đổi hoạt động mua sắm trên thiết bị di động chân thực hơn khi các sản phẩm được mô tả bằng cách các mô hình 3D, có thể tăng kích thước, đặt trong một không gian cụ thể, xem xét từ mọi góc độ. Điện thoại di động còn là phương tiện được ưa thích để thực hiện thanh toán trực tuyến. Với các ứng dụng từ ngân hàng hay ví điện tử, khách hàng sẽ không cần phải mang theo tiền mặt, thẻ tín dụng, chọn mua sản phẩm bất kỳ và thanh toán nhanh chóng ngay trên điện thoại.
Hướng đến người tiêu dùng ở nông thôn
Trước đây người tiêu dùng ở nông thôn chỉ có thể mua bán qua kênh bán hàng truyền thống tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... Đây chính là lý do tại sao thị trường tiêu dùng nông thôn luôn được đề cập với tình trạng bị bỏ ngỏ, hoặc là thị trường tiềm năng. Không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, ở nông thôn smartphone cũng đang trở thành hiện tượng mới với lượng người sở hữu ngang ngửa tại thành thị. Chính sự tăng trưởng về mặt công nghệ đã kéo theo những thay đổi lớn về hành vi mua sắm.
Khu vực nông thôn hiện nay đang có nhiều lợi thế do hạ tầng internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng đang quan tâm đầu tư mạnh tay hơn để thúc đẩy thương mại điện tử nông thôn phát triển cho xứng với tiềm năng. Hiện nay, các nhà bán lẻ hiện đại đã bắt đầu thâm nhập thị trường này.
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Infocus Mekong Reasearch, cho biết, thói quen cũng như hành vi sử dụng điện thoại thông minh ở vùng nông thôn và thành thị có nhiều điểm tương đồng. Đó là lý do chính để các nhà sản xuất hướng đến người tiêu dùng nông thôn. Với sự gia tăng chóng mặt của phương tiện công nghệ hiện đại, các chuyên gia tiếp thị sản phẩm cho rằng, doanh nghiệp nên nhanh chóng nắm bắt xu hướng để phủ sóng hàng hóa tại thị trường nông thôn.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng cho biết những năm trước, thương mại được định hướng thúc đẩy mạnh bởi tầng lớp có thu nhập trung lưu ở thành phố, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế số, tình hình bắt đầu thay đổi, việc thúc đẩy tiêu dùng thương mại điện tử không phải ở tầng lớp trung lưu nữa mà là của tầng lớp tiêu dùng kết nối, chính tầng lớp kết nối mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. VECOM cũng nhận ra sự mất cân đối lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị về thương mại điện tử. Do đó, Hiệp hội Thương mại điện tử đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thúc đẩy nông thôn thông minh hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, vì nếu không thay đổi tỷ trọng thương mại điện tử giữa nông thôn và thành thị thì sẽ khó đưa thương mại điện tử Việt Nam phát triển. VECOM nhận định, đến năm 2025, tầng lớp người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm vị trí quan trọng trong tỷ trọng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Tầng lớp tiêu dùng kết nối sẽ giúp thương mại điện tử tăng trưởng nhanh hơn, không chỉ có tầng lớp trung lưu ở thành phố, mà Việt Nam có 58 triệu người kết nối internet, trong số đó có nhiều người ở khu vực nông thôn.
Như vậy, kết nối với người tiêu dùng bằng smartphone là phương thức mà các nhà bán lẻ cần nắm bắt và tận dụng tối đa để thúc đẩy doanh số. Smartphone còn là công cụ hỗ trợ đắc lực để các nhà bán lẻ hiện đại thâm nhập thị trường nông thôn đầy tiềm năng.
Trung Anh