Ngành bán lẻ & logistics cần nhanh chóng thay đổi diện mạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Sáng nay 29/6, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại” do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp cùng Liên Hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số để đáp ứng nhanh nhu cầu của xã hội và góp phần phát triển nền kinh tế.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) đã phát biểu khai mạc.
Ông Đức cho biết, các đơn vị bán lẻ thời gian sau dịch Covid chuyển đổi số rất nhanh thông qua các hoạt động của từng doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thách thử đối với các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số phải đảm bảo phù hợp những biến động của thị trường, và quan trọng hơn hết là mang lại những hiệu quả thực sự chứ không phải chỉ là phong trào.
Xu hướng định hình ngành bán lẻ & Logistics
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng các đơn vị tham gia trình bày các nội dung gồm: Định hướng chuyển số trên địa bàn TP.HCM, Nhân sự - Doanh nghiệp và Văn hoá số, tài liệu kiến thức về chuyển đổi số cho ngành bán lẻ.
Hiện nay, sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi lớn về thói quen và và hành vi của khách hàng khi ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng, hạn chế sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là mỗi khi có sự xuất hiện của công nghệ mới, ngành bán lẻ và logistics sẽ cần phải liên tục cập nhật, nhanh chóng thích nghi và thay đổi diện mạo mới.
Theo đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp nói chung và trong ngành bán lẻ & logistics nói riêng đặt ra yêu cầu về ứng dụng các công nghệ số nhằm tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, vận hành và kinh doanh, hỗ trợ bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn lực này. Gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp về các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nhanh chóng đáp ứng biến động thị trường và liên tục cải tiến.
Dựa theo Khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 về việc các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh cách thức bán hàng qua mạng. Ngoài ra còn sự tăng trưởng với tốc độ chóng mặt - kinh doanh bán lẻ qua mạng xã hội theo số liệu từ Metric. Đồng thời theo thống kê của Deloitte về khảo sát tần suất sử dụng thương mại điện tử/ kênh bán hàng trực tuyến của người dùng năm 2020 với kết quả cho rằng công dân thế hệ số sẽ trở thành nguồn khách hàng tiềm năng lớn. Đây sẽ là các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ kinh doanh và trở thành nguồn động lực lớn cho ngành bán lẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ đang tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng số khác nhau như các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội,…giúp cho doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng thông qua các ứng dụng công nghệ số.
Hiện trạng chuyển đổi số của DNNVV trong ngành bán lẻ & Logistic Việt Nam
Tại Việt Nam, ước tính trên thị trường hiện nay có hơn 97% là các DNNVV. Do tính chất phụ thuộc lớn vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng, ngành bán lẻ & logistics đã phải chịu những biến đổi liên tục trong thời gian gần đây do những thay đổi mạnh mẽ từ thị trường. Từ sự cộng hưởng của các sự kiện gần đây cho thấy việc nắm bắt và thấu hiểu những thay đổi từ người tiêu dùng cũng như thị trường là rất cần thiết với ngành này. Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi nhu cầu về chuyển đổi số cho ngành bán lẻ và logistics đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, liên tục như hiện nay.
Với hiện trạng trên, các doanh nghiệp trong nhóm ngành bán lẻ & logistics cũng đã và đang có những bước tạo đà thuận lợi, đạt được những thành tích nhất định trong chuyển đổi số.
Theo khảo sát từ 900 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong báo cáo của Fujitsu về “Chuyển đổi số toàn cầu năm 2019”, hơn 40% các doanh nghiệp logistics và gần 30% doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát đã thực hiện và gặt hái được thành quả từ các dự án chuyển đổi, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và thực hiện quá trình chuyển đổi cũng như làm tấm gương sáng cho các doanh nghiệp đi sau học hỏi.
Lộ trình chuyển đổi như thế nào?
Theo Sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam do Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp phát hành năm 2021, việc xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn Chuyển đổi số là một bước quan trọng mà doanh nghiệp cần sớm thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị. Mục tiêu chiến lược và tầm nhìn chuyển đổi số sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam, định hình hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Sau khi đã xác định được mục tiêu chiến lược và tầm nhìn Chuyển đổi số cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình Chuyển đổi số bài bản để hiện thực hóa các mục tiêu này, giúp doanh nghiệp đạt được những thành tựu mong muốn từ hành trình Chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa số, doanh nghiệp cần thực hiện truyền thông, đào tạo về chuyển đổi số xuyên suốt hành trình nhằm đảm bảo lãnh đạo và người lao động đều hiểu đúng về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận những thay đổi một cách tích cực. Người lao động cần được khuyến khích phối hợp, cộng tác để giải quyết các vấn đề, được trang bị những kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình triển khai các sáng kiến, đưa ra ý tưởng đổi mới, ý tưởng cải tiến cho công việc, nhiệm vụ đang đảm nhiệm.
Đồng thời, doanh nghiệp cần xác định một mạng lưới Digital Champion, là những đại diện trong các bộ phận, có ảnh hưởng và được tín nhiệm, đồng thời tích cực ủng hộ công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt, đóng một vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, gia tăng mức độ cam kết và áp dụng chuyển đổi của người lao động.
Thiên An