Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ diễn biến tích cực
Tại hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”, các chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Ngày 3/07, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ: “Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần”.
Tại Việt Nam, kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Các số liệu trên đã dẫn đến những lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhấn mạnh rằng trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
"Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3/2023. Bởi vậy, trong quý 3/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý", ông Độ phân tích.
Cũng theo ông Độ, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh khác cho thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải, vì chưa tính giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh từ quý 3/2023.
Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý 2/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.
Vị chuyên gia này đánh giá không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi.
"Có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn", ông Độ nhận định.
Dự báo diễn biến nửa cuối năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng CPI đạt đỉnh vào tháng 7,8/2024 sau đó giảm dần. Trung bình cả năm 2024, theo ông Độ, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).
PGS.TS. NGƯT. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, đưa ra hai kịch bản dự báo.
Kịch bản 1: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Kịch bản 2: CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Để kiềm chế lạm phát nửa cuối năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4 - 4,5% trong năm 2024, Viện trưởng cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.
Bên cạnh đó, bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới. Đồng thời, chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả trước khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Các bộ ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát.
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tham mưu để Chính phủ ban hành các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá