Kỳ vọng 'làn sóng thứ tư', dòng vốn FDI sẽ giúp kinh tế Việt Nam bứt phá năm 2024
Nhiều tổ chức kinh tế có cái nhìn tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Dòng vốn ngoại được các chuyên gia dự báo tiếp tục chảy nhiều vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ cao, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng.
"Thức giấc sau ngủ đông"
Năm 2023 được ghi nhận là một năm nhiều “sóng gió” đối với kinh tế Việt Nam, khi những khó khăn từ đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, thị trường bất động sản ảm đạm, mặt bằng lãi suất tăng cao kể từ cuối năm 2022,… đã khiến tăng trưởng GDP chỉ đạt 5%, không thể “về đích” 6,0-6,5% như mục tiêu đặt ra, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã rất nỗ lực.
Trước đó, sau nhiều năm là “điểm sáng” của nền kinh tế, vào năm 2022, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam quay đầu sụt giảm đến 11% so với năm liền kề trước đó. Bước sang nửa đầu năm 2023, xu hướng thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư toàn cầu và tác động tới nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước. Bởi lẽ, trong 6 tháng đó, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng cả nước cũng chỉ thu hút được khoảng 13,43 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại cam kết, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm vừa qua. Từ đây, nỗi lo cho dòng vốn ngoại rót vào Việt Nam tiếp tục suy giảm càng lớn hơn. Nhất là xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới gay gắt, áp lực lạm phát tăng cao, giá cả bùng nổ ở nhiều quốc gia; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế…
Tuy nhiên, bước sang quí 3, khi dự án tăng vốn hơn 1 tỉ đô la của LG Innotek ở Hải Phòng được ghi nhận, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu có sự “đảo chiều”. Cụ thể 7 tháng, con số này là gần 16,24 tỉ đô la, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đà đó, quí 3, dòng vốn FDI tiếp tục chảy nhiều vào Việt Nam. Tổng vốn FDI đăng ký tính tới cuối tháng 9 đạt 20,21 tỉ đô la, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, tức chỉ trong 3 tháng tăng tới 6,78 tỉ đô la; vốn thực hiện ước đạt 15,91 tỉ đô la, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Kể từ thời điểm đó, xu hướng ngày càng tích cực, nhất là khi các dự án quy mô lớn tiếp tục được đầu tư. Đáng lưu ý là những dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình, vốn đăng ký đầu tư 1,99 tỉ đô la; dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Quảng Ninh, vốn đăng ký đầu tư 1,5 tỉ đô la.
Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh, sản xuất máy tính, vốn đầu tư 690 triệu đô la hay dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư 621 triệu đô la…Nhờ đó mà từ một nỗi lo lớn của hồi đầu năm, khép lại năm 2023, thu hút vốn ngoại đã quay đầu ngược chiều với tình hình khó khăn chung, trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023.
Cụ thể số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2023, cả nước có 36,61 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 32,1% so với kết quả của năm 2022. Số vốn giải ngân FDI trong năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỉ đô la, cao hơn nhiều năm gần đây. Điều này cho thấy dòng vốn FDI thực sự được chuyển đổi thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm và chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế – xã hội.
Việc giải ngân nhiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cho thấy nhà đầu tư FDI rất tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước và sức hấp dẫn của nền kinh tế gần 100 triệu dân. Đây cũng là khả năng thích ứng và hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.
Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nửa cuối năm 2023 cũng như đưa vào giải ngân vốn cao là động lực rất quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Triển vọng tích cực
Bước sang năm 2024, bất chấp những “cơn gió ngược”, nhiều tổ chức kinh tế đặt cược vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024 và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Nguyên nhân đằng sau mức tăng trưởng này là do nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn được duy trì, IMF nhận định.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ các chính sách đúng đắn giúp tháo dỡ các rào cản trong đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng. WB nhận định mặc dù môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại nhưng về dài hạn, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức 6%, tăng đáng kể so với mức dự báo tăng 5,2% năm 2023. Mức tăng trưởng 6% của Việt Nam được ADB đánh giá là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.
Về dài hạn, Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Thái Lan hay Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 toàn cầu vào năm 2038. Theo CEBR, viễn cảnh 15 năm tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam được dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024 – 2028 và sẽ lên mức 6,4% trong 9 năm tiếp theo.
Còn theo xếp hạng trên bảng xếp hạng Liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT), quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có bước nhảy vọt trong 14 năm tới. Thứ hạng Việt Nam có thể tăng nhanh và đạt vị trí 24 trong năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038, theo WELT.
Các chuyên gia nhận định, cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói, các ý kiến dự báo lạc quan rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ mới thu hút FDI.
Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, các phân tích cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có 16 FTA đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Những yếu tố quan trọng khác tạo nên cơ hội trong thu hút FDI vào Việt Nam như sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế… sẽ tiếp tục là điểm cộng để nhà đầu tư tin tưởng đến “lót ổ”.
Đáng chú ý, đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024 và những năm tới được kỳ vọng phụ thuộc nhiều vào việc thực thi những cam kết của Mỹ trong nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Báo Nikkei gần đây nhận định rằng: “Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư”.
Hãng tin này cho rằng, chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9-2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tạo cơ hội hình thành làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư.
Những triển vọng cũng được các chuyên gia nước ngoài nhìn nhận. Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital: Việt Nam là một thị trường thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Ông Kokalari phân tích, trong năm 2023, số vốn FDI thực hiện của Việt Nam đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 23,2 tỷ USD. Ngoài ra, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 40% trong thời kỳ Covid-19 và chưa từng phục hồi lại mức trước Covid-19, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Còn dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam hiện đã trở lại mức trước Covid-19, cho thấy Việt Nam là một thị trường thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Tổng vốn FDI đăng ký cũng là một chỉ báo quan trọng cho dòng vốn FDI thực tế sẽ được giải ngân. Trong năm 2023, vốn FDI đăng ký của Việt Nam đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức 36,6 tỷ USD. Trong đó tiêu biểu là các dự án như LG Innotek đầu tư nhà máy 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, JinKo Solar đầu tư nhà máy pin quang điện 1,5 tỷ USD, hay ECOVANCE đầu tư nhà máy vật liệu hữu cơ công nghệ cao 500 triệu USD. Các dự án FDI đăng ký năm 2023 có thể sẽ được giải ngân vào năm 2024. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng Việt Nam thu hút FDI năm 2024 sẽ tiếp tục rất khả quan.
Các tập đoàn đa quốc gia đều có tầm nhìn dài hạn khi đưa ra quyết định đầu tư vốn FDI, do đó chúng ta cần đánh giá cơ hội và trở ngại thu hút FDI của Việt Nam trong vòng 5 năm tới, thay vì chỉ là năm 2024. Việt Nam có hai lợi thế khi thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất trong những tới là (1) nguồn lao động chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, và (2) Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam.
Hồng Quang