Khánh Hoà: Yêu cầu xử lý văn bản giả mạo về chấp thuận thi công dự án Ocean Hills
Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền Công văn của UBND tỉnh Khánh Hoà có nội dung “về việc chấp thuận chủ trương thi công dự án Ocean Hills”. Qua kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hoà khẳng định văn bản này là giả mạo và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, xử lý văn bản giả mạo này.
Giả mạo văn bản của UBND tỉnh Khánh Hoà
Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung văn bản giả mạo này thể hiện việc UBND tỉnh Khánh Hoà chấp thuận cho đơn vị có tên gọi là “Công ty Cổ phần Tập đoàn INCO” triển khai thi công dự án sau ngày 19/3/2023 và chính quyền địa phương phối hợp để tổ chức động thổ - khởi công dự án Ocean Hills.
Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định về soạn thảo văn bản hành chính, văn bản giả mạo này có rất nhiều lỗi sai cơ bản về thể thức như: Đơn vị soạn thảo, trích yếu nội dung, nơi nhận, chữ ký số... cũng như văn phong lủng củng, thiếu mạch lạc và sai chính tả. Việc đăng tải văn bản giả mạo này nhiều khả năng nhằm mục đích tạo uy tín cho các dự án “ma” chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, lừa đảo khách hàng để huy động vốn và bán dự án.
Cần tìm hiểu kỹ để tránh “tiền mất tật mang”
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, các khách hàng, người dân cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, tránh nghe theo các chiêu trò tiếp thị của nhân viên marketing dự án mà không mảy may nghi ngờ về tính hợp pháp. Hoặc đánh vào tâm lý ham rẻ khi những dự án này luôn luôn đưa ra những “deal” hời như giảm giá cho 100 người đặt cọc đầu tiên, quà tặng kèm hấp dẫn khi chốt dự án...
Vì vậy, để phòng tránh khách hàng cần lưu ý các vấn đề như sau:
Cần yêu cầu cầu chủ đầu tư cung cấp những văn bản pháp lý liên quan đến dự án như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quy hoạch 1/500, Giấy phép xây dựng…đồng thời tiến hành kiểm tra chéo trên Trang/Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước có liên quan về tính xác thực của thông tin đó.
Lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, tên tuổi, có pháp nhân rõ ràng, được thành lập từ nhiều năm trước, cần xem thực địa nơi khởi công dự án, có thể liên hệ chính quyền địa phương để xác thực thông tin về dự án trên địa bàn.
Nâng cao cảnh giác đối với đối tượng môi giới lừa đảo, trước những lời quảng cáo, hứa hẹn có cánh về lợi nhuận khủng để thúc giục người mua vội vã ký hợp đồng khi chưa tìm hiểu kỹ về thông tin dự án và khi người mua đề nghị cung cấp văn bản pháp lý của dự án thì người bán luôn hứa hẹn theo kiểu ký hợp đồng, đóng tiền xong sẽ cung cấp đầy đủ cho khách hàng, còn giờ không thể cung cấp vì đang để lưu giữ ở công ty, thông tin đó là bí mật… để rồi sau đó bên bán trở mặt nói thẳng không cung cấp hoặc lẩn trốn bằng cách lấy lý do chờ cấp trên quyết định.
Ngoài ra, cần so sánh giá của dự án so với với mặt bằng chung của các dự án trên địa bàn, nếu có giá rẻ bất thường và kèm theo nhiều ưu đãi và hưởng được chiết khấu khủng khi giới thiệu được thêm khách mua thì nhiều khả năng là dự án “ma”.
Khánh Hoà yêu cầu xử lý nghiêm văn bản giả mạo
Để kịp thời xử lý văn bản giả mạo trên, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Văn bản số 4732/UBND-KGVX ngày 16/5/2023 chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi phụ trách, thông tin đến cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị, địa phương biết, không đăng tải, chia sẻ văn bản giả mạo trên các trang mạng xã hội; kịp thời báo cáo với lãnh đạo nếu phát hiện cán bộ, công chức, người lao động đăng tải, chia sẻ văn bản giả mạo nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, có hướng xử lý văn bản giả mạo nêu trên theo quy định pháp luật.