Kết nối cung - cầu hướng đến phát triển kinh tế bền vững
Diễn đàn "Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu" được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp và ngành nghề thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, phát triển kinh tế bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Quang Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, trong tình hình thế giới đang đối mặt với nhiều biến đổi và thách thức, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu không chỉ là cách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn là một hướng đi cần thiết để xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững cho tương lai. Sự kết nối cung - cầu giúp tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh.
“Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu” giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên sản xuất, từ đó tạo ra hiệu suất kinh tế cao hơn và giảm thiểu lãng phí; thúc đẩy sự đổi mới trong cách doanh nghiệp và ngành công nghiệp kết nối với nhau dẫn đến việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chương trình còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ và chính sách kinh tế để thúc đẩy hiệu quả kết nối cung và cầu, từ đó giúp các doanh nghiệp và ngành nghề phát triển bền vững; và bằng cách tối ưu hóa cấu trúc kinh tế và tăng cường kết nối giữa cung và cầu, chương trình có tiềm năng tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam, giúp đảm bảo sự ổn định và phát triển trong tương lai.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử (TMĐT) đã chia sẻ những thông tin quan trọng về sự phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam và những thách thức đang phải đối mặt.
Trong giai đoạn gần đây, TMĐT tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với sự bứt phá của các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada...Cụ thể, tại Việt Nam, quy mô ngành thương mại điện tử bán lẻ đã tăng trưởng 20%, từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 16,4 tỷ USD năm 2022, với 57-60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm vừa qua (theo số liệu Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022).
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7,2% - 7,8%, gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 năm. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vậy, một trong những thách thức quan trọng là khả năng quản lý. Ông Thành nêu rõ rằng, sự minh bạch trong quản lý sàn TMĐT cần được cải thiện để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. "Người tiêu dùng ngày càng chú ý đến sản phẩm xanh sạch và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT để thích ứng và đáp ứng nhu cầu này," ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, các nền tảng như Lazada, Shopee, và Tiki đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái thương mại bền vững, từ xây dựng nền tảng, vận chuyển đến thanh toán trực tuyến, điều này giúp đơn giản hóa quá trình mua sắm cho người tiêu dùng.
Thị trường TMĐT Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề hàng giả, hàng nhái đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề không cân đối trong thị trường thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn, khiến thị trường trở nên không đồng đều.
Ông Đoàn Mạnh Trường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cục Công Thương địa phương chia sẻ về việc “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương”. Ông Đoàn Mạnh Trường cho rằng, việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối cũng còn những khó khăn bởi: Việc đưa sản phẩm vào các nhà phân phối lớn như các siêu thị còn gặp phải trở ngại nhất định, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; một số doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối tham gia hội nghị; chưa chủ động tìm hiểu, nghiên cứu đối tác, thị trường của địa phương tổ chức hội nghị để hợp tác hoặc đặt vấn đề hợp tác.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động vẫn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là lao động qua đào tạo. Công tác đào tạo nghề cho lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến độ đầu tư các dự án mở rộng sản xuất.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cùng chung nhận định, kết nối cung - cầu là giải pháp cấp bách hiện nay khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn sau dịch Covid-19 và tiếp tục đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu.Sự kết nối cung - cầu giúp DN tối ưu hóa tài nguyên, khuyến khích sự đổi mới và phát triển sản phẩm, cũng như tạo cơ hội hợp tác và tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các diễn giả đã đề cập đến các vấn đề về cơ hội và thách thức trong thúc đẩy kết nối cung - cầu; đánh giá, nhận định các định hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kết nối cung cầu, hợp tác giữa DN với các địa phương.
Đồng thời, đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất kinh doanh và các giải pháp giúp DN ứng phó với khó khăn, tận dụng cơ hội trong thời gian tới, đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu, tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.