0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 16/11/2023 15:10 (GMT+7)

Phát triển bền vững ngành hàng quế

Theo dõi KT&TD trên

Việt Nam là quốc gia sản xuất quế hàng đầu thế giới. Cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Thông tin từ Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, với 180.000 ha. Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Nhiều địa phương có đủ điều kiện trồng, phát triển cây quế và xác định đây là một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Cây quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón… Vì thế, các sản phẩm từ cây quế đều có thể thu hoạch bán lấy tiền như vỏ, thân, lá, hạt...

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, tuy nhiên vẫn chưa đủ so với cả ngành quế Việt Nam. Hiện thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bangladesh, Brazil, Indonesia.

Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh… Trên cả nước, Yên Bái và Lào Cai là những địa phương sản xuất và có sản lượng quế lớn nhất cả nước.

Phát triển bền vững ngành hàng quế

Cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết: Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp tại tỉnh Yên Bái, cây quế được xác định là loài cây trồng mũi nhọn, là cây đa tác dụng có giá trị kinh tế cao và ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất là 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các sản phẩm tinh dầu quế mà các nhà máy sản xuất ra mới chỉ là sản phẩm tinh dầu thô (hàm lượng tinh dầu quế đạt 82-85%), có giá trị thấp khoảng từ 550- 650 nghìn đồng/kg. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Quế vỏ và phần lớn tinh dầu quế của tỉnh Yên Bái chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ấn Độ... Còn các sản phẩm chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, bột quế... chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh có 58.085,8 ha quế, trong đó diện tích quế đã thành rừng là 36.362,4 ha; diện tích chưa thành rừng là 21.723,4 ha. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được các vùng trồng quế đạt chứng chỉ hữu cơ với diện tích 4.230 ha (chiếm 7,2 % diện tích quế của tỉnh). Tỉnh Lào Cai dự tính sản lượng quế khai thác sẽ tăng mạnh nhất vào giai đoạn 2026-2030, bởi đây là thời kì mà diện tích trồng quế tăng mạnh nhất (giai đoạn năm 2013 đến 2018).

Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2030, mỗi năm Lào Cai có trên 4.000 ha quế được khai thác trắng và 10.000 ha quế trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng khai thác dự kiến mỗi năm sẽ trên 40.000 tấn vỏ khô, 350.000 tấn cành lá và khoảng trên 210.000m3 gỗ trở, ước sản lượng tinh dầu quế sẽ từ 1.600 đến 2.000 tấn/năm. Sản phẩm sau khi chế biến được xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ số ít xuất sang Mỹ và Châu Âu. Từ năm 2022 trở về trước, hoạt động chế biến, xuất khẩu quế tại Lào Cai diễn ra sôi động, sản lượng tiêu thụ hàng năm khá cao. Các chủ cơ sở chế biến lâm sản chủ động liên kết với các đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường; tồn dư hóa chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) và hàm lượng kim loại: chì và thủy ngân; chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng; chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ.

Tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa phát triển mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị nhưng chủ yếu làm thương mại. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp. Thiếu công nghệ và vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực thế, thiếu chuyên gia và tài liệu.

Chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường carbon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế…Tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức như: Khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây tỉa cành không khoa học... Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng.

Phát triển bền vững ngành hàng quế

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường.

Trước đó, Cục Lâm Nghiệp đã công bố Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu thành Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị; đồng thời giới thiệu các đồng chủ trì của Nhóm PPP tiểu ban ngành hàng quế. Nhóm công tác PPP đã đưa ra định hướng phát triển ngành quế gồm; xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây quế; phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành hàng này cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm cần phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của mọi người, trong đó có phụ nữ, khi phát triển sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh hình hành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư.

Đức Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển bền vững ngành hàng quế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.