Him Lam Phúc Lợi xin chuyển đổi dự án, Hà Nội sắp có thêm 5.700 căn hộ NƠXH?
TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội. Nếu được chấp thuận, thị trường Hà Nội sẽ có thêm hơn 5.700 căn hộ nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người dân.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc điều chỉnh toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc Lợi sang xây dựng nhà ở xã hội.
Cụ thể, phương án chuyển đổi này là đề nghị của chính chủ đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam, chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Hà Nội phải xin ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Xây dựng.
Theo tìm hiểu, Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2 (tương đương 13,44ha), quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư. Dự án có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án khoảng 19 tháng.
Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Him Lam được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018. Đến tháng 2/2020 UBND TP Hà Nội lại có Văn bản số 97 đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội .
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản 1857 báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản 1857/KH&ĐT-NNS báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Cổ phần Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.
Tháng 12/2021, Công ty Cổ phần Him Lam có văn bản đề nghị TP Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội. Theo đó, hơn 3.200 căn nhà ở thương mại, 504 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.
Công ty Cổ phần Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
Trong đề xuất gửi tới Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn sau năm 2020 rất lớn, lên tới khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,21 triệu m2 sàn nhà ở.
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án nhà ở Him Lam Phúc Lợi phù hợp với việc chuyển đổi dự án và đúng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Ngoài việc đề xuất chuyển đổi nhà thương mại, nhà tái định cư thuộc dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội, thời gian qua, TP Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn. Dự kiến 5 khu nhà ở xã hội tập trung này sau khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở vào quỹ nhà ở xã hội của TP Hà Nội.
Bộ Xây dựng cho biết, việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, căn hộ nhà ở xã hội phải được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn khép kín, bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng.
Hà Nội thêm 8 dự án nhà ở xã hội, hàng nghìn căn hộ sắp đổ bộ thị trường
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội cũng vừa duyệt danh mục các dự án nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 (đợt 1). Trong đó, có thêm 8 dự án nhà ở xã hội, cung cấp hơn 5.500 căn hộ, tương ứng hơn 485.000 m2 sàn.
Các dự án có tổng diện tích hơn 27 ha, tập trung tại quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức. Tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Phần lớn các dự án đang trong giai đoạn làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.
Cụ thể: Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai); Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh); Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh).
Dự án khu nhà ở Minh Đức (phần nhà ở xã hội tại ô đất CT) thuộc xã Tiền Phong (huyện Mê Linh); Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại thôn Phú Đa (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức); Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Tây Tựu tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).
UBND TP cũng cập nhật 122 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị vào kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Nguồn cung hơn 11.600 căn hộ chung cư và hơn 1.800 căn nhà thấp tầng.
Ngoài ra, thành phố cập nhật một dự án đầu tư xây dựng mới và 7 dự án đang rà soát, phục vụ tái định cư trong thời gian cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở trong ba năm tới. Trong đó, nhà ở xã hội thêm khoảng 12.000 căn. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, thành phố chỉ có 4 dự án nhà xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ. Thành phố có 40 dự án nhà xã hội đang triển khai.
Đinh Hiệu