0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 30/08/2023 08:45 (GMT+7)

Chủ đầu tư dự án trạm biến áp hơn 600 tỷ đồng tại Hải Phòng làm ăn ra sao?

Theo dõi KT&TD trên

Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án truyền tải điện theo quy định của Luật đầu tư 2020 sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Địa phương đầu tiên chấp thuận dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII

Mới đây, UBND Thành phố Hải Phòng vừa có Quyết định số 2388/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án trạm biến áp (TBA) 500kV Hải Phòng.

Theo đó, nhà đầu tư được UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) có địa chỉ số 18 Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực thành phố Hải Phòng; Tăng cường liên kết hệ thống điện khu vực, nâng cao độ an toàn, tin cậy và ổn định khi vận hành hệ thống điện khu vực và quốc gia; Giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Diện tích đất dự kiến sử dụng xây dựng TBA khoảng 4,6ha. Công suất thiết kế 1.800MVA (gồm 2 máy biến áp 500/220/35kV- 900MVA). TBA 500kV Hải Phòng được thiết kế gồm máy biến áp, giàn thanh cái và thiết bị phân phối phía 500kV, 220kV và 35kV được bố trí ngoài trời.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 617.208.000.000 (Sáu trăm mười bảy tỷ, hai trăm linh tám triệu đồng). Địa điểm thực hiện dự án tại xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Tiến độ thực hiện dự kiến khởi công tháng 9/2025, hoàn thiện việc thi công và đóng điện tháng 12/2026.

Doanh nghiệp vừa trúng dự án trạm biến áp hơn 600 tỷ đồng tại Hải Phòng làm ăn ra sao
UBND TP Hải Phòng đã chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Trạm biến áp 500kV Hải Phòng đối với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). (Ảnh minh họa)

Tổng công ty Truyền tài điện quốc gia có trách nhiệm triển khai dự án theo đúng quy hoạch, tiến độ được chấp thuận tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Đồng thời có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, điện lực, quản lý và sử dụng vốn nhà nước, bảo vệ môi trưởng, phỏng cháy chữa cháy, quốc phỏng - an ninh, thuế, pháp luật có liên quan.

Đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện theo đúng mục tiêu, quy mô, tiến độ được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện dự án sau khi được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Chủ động liên hệ với Cục Thuế thành phố Hải Phòng để được hướng dẫn, xác định ưu đãi theo quy định pháp luật hiện hành.

Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện Dự án đầu tư; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các sở, ngành, địa phương liên quan của TP. Hải Phòng có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định của pháp luật hiện hành và theo dõi, kiểm tra, giảm sát, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Quyết định này; thực hiện quản lý nhà nước và giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành.

Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố xem xét, quyết định cho thuê đất sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo số liệu, Hải Phòng là một trong những địa phương có mức tiêu thụ điện thương phẩm khá cao ở miền Bắc và có mức tăng trưởng cao qua từng năm, trung bình trên 13%/năm.

Thành phố này đang được cấp điện từ 4 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 1.625 MVA; 461 km đường dây 110 kV và 33 TBA 110 kV với tổng dung lượng 2.855 MVA. Hầu hết các đường dây 110 kV đều là mạch kép, linh hoạt trong vận hành.

Để đảm bảo cung cấp điện tại thành phố Hải Phòng, trong những năm vừa qua, EVNNPT đã hoàn thành 3 công trình nâng công suất TBA 220 kV, năng lực tăng thêm 500 MVA, tổng mức đầu tư khoảng 260 tỉ đồng, hoàn thành 25 công trình 110 kV với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.

EVNNPT làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập vào tháng 4.2008. Hoạt động kinh doanh chính là truyền tải điện; đầu tư phát triển lưới điện truyền tải; tư vấn và đầu tư xây dựng, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát công trình lưới điện. Tổng công ty có trụ sở chính trên phố Trần Nguyên Hãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và có 9 đơn vị trực thuộc rải rác trên khắp cả nước.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là công ty con do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 100% vốn điều lệ. Năm 2022, EVNNPT ghi nhận doanh thu hơn 16.857 tỉ đồng, cao hơn 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm 99% là nguồn thu tới từ hoạt động truyền tải điện. EVNNPT đã truyền tải gần 211,5 tỉ kWh điện, tăng 5,28% so với 2021 và đạt 98% kế hoạch.

Bên cạnh đó, nhờ tiết chế tốt giá vốn bán hàng đã giúp lãi gộp EVNNPT đạt 3.234 tỉ đồng, tăng 89% so với năm 2021.

Tuy nhiên, trong kì doanh thu từ hoạt động tài chính lao dốc tại 1.258 tỉ đồng về còn 187 tỉ đồng, tương ứng giảm đến 85%. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, phần sụt giảm đến từ việc doanh nghiệp không ghi nhận lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái chưa thực hiện, trong khi năm trước đó hơn 956 tỉ đồng. Cộng thêm với việc chi phí tài chính tăng thêm 120%, lên 2.723 tỉ đồng, là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế EVNNPT về còn 43 tỉ đồng, giảm đến 95% so với năm ngoái.

Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2022, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của EVNNPT chỉ đạt 0,25%. Tương ứng, cứ 1.000 đồng doanh thu được tạo ra thì công ty chỉ được 2,5 đồng tiền lãi. Trong khi năm 2021, chỉ số này tại EVNNPT là 5,3% và năm 2020 là 5%.

Doanh nghiệp vừa trúng dự án trạm biến áp hơn 600 tỷ đồng tại Hải Phòng làm ăn ra sao
Kết thúc năm 2022, nợ phải trả của EVNNPT đạt 58.175 tỉ đồng; với vốn chủ sở hữu hơn 25.343 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là gần 2,3 lần. (Ảnh minh họa)

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của EVNNPT đạt 83.519 tỉ đồng, giảm hơn 500 tỉ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong số này là tài sản dài hạn với hơn 71.264 tỉ đồng.

Giống như các công ty con thuộc hệ sinh thái của EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng gửi lượng lớn tiền vào ngân hàng. Cụ thể là gần 3.660 tỉ đồng, qua đó thu lãi 137 tỉ đồng.

Hàng tồn kho EVNNPT còn 4.593 tỉ đồng, giảm 18% so với năm 2021. Đây chủ yếu là vật tư, thiết bị tồn kho bao gồm các hạng mục dùng cho xây dựng cơ bản. Một số hàng tồn kho được hình thành từ vốn vay đã được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay ngân hàng (tài trợ cho việc mua sắm các hàng tồn kho này).

Trong năm 2022, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản tại EVNNPT là 17.080 tỉ đồng, tăng hơn 2.000 tỉ đồng sau 12 tháng.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán EVNNPT, kết thúc năm 2022, nợ phải trả công ty đạt 58.175 tỉ đồng, giảm 1% so với cùng kì, chủ yếu là nợ vay tài chính với 50.952 tỉ đồng. Với vốn chủ sở hữu hơn 25.343 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại EVNNPT đạt gần 2,3 lần.

Trong cơ cấu nợ phải trả của EVNNPT, nợ vay tài chính đang chiếm đến 88% với 50.952 tỉ đồng (tương đương hơn 2,1 tỉ USD) giảm hơn 100 tỉ đồng so với năm trước đó, bao gồm 5.538 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 45.415 tỉ đồng nợ vay dài hạn.

Đáng chú ý dù nợ vay tài chính giảm nhẹ nhưng chi phí lãi vay mà EVNNPT chi ra trong năm 2022 lại tăng đến 49% so với cùng kì. Cụ thể, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chi phí lãi vay EVNNPT phải trả năm 2022 lên đến 1.837 tỉ đồng, trong khi cùng kì gần 1.229 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày công ty con của EVN đang phải chi đến 5 tỉ đồng để trả lãi vay, con số này tại năm 2021 là hơn 3,6 tỉ đồng.

EVNNPT là doanh nghiệp nhà nước duy nhất có nhiệm vụ phát triển và vận hành hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc liên tục, an toàn, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Đến tháng 4/2023, EVNNPT quản lý vận hành 29.426 km đường dây (bao gồm 10.467 km đường dây 500 kV và 18.959 km đường dây 220 kV), tăng 245% so với ngày đầu thành lập EVNNPT (năm 2008); quản lý vận hành 185 trạm biến áp (gồm 37 TBA 500 kV và 148 TBA 220 kV) với tổng dung lượng MBA là 116.400 MVA, tăng 272% về số TBA và tăng 454% về tổng dung lượng MBA so với ngày đầu thành lập EVNNPT.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư dự án trạm biến áp hơn 600 tỷ đồng tại Hải Phòng làm ăn ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cộng Cà phê: Hành trình từ quán nhỏ đến thương hiệu Quốc tế
Hành trình của Cộng Cà Phê từ một quán nhỏ đến một thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện đầy cảm hứng. Với sự khác biệt, sáng tạo và kiên trì, Cộng Cà Phê đã chứng minh rằng ngay cả với vốn điều lệ nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công lớn

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.