Hà Tĩnh: Phân bổ vốn thực hiện Chương trình chuyển đối số trong xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành Quyết định số 2476/QĐ-UBND về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh năm 2023.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo đó, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình chuyển đối số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh năm 2023 với số tiền 6,3 tỷ đồng, trong đó: phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh:278,4 triệu đồng; phân bổ cho cấp huyện: 6,021 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch vốn tại quyết định này khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Phú triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Kỳ Phú theo đúng quy định hiện hành; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT về kết quả triển khai mô hình. Nắm bắt tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị; đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao đúng kế hoạch; kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện Chương trình MTQG.
Sở TT&TT phối hợp Sở NN&PTNT hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch vốn tại quyết định này khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định. Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Phú triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Kỳ Phú.
Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Phú triển khai mô hình thí điểm xã thương mại điện tử Kỳ Phú.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện cấp phát nguồn vốn kịp thời, đúng quy định. Chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện; thanh, quyết toán, giải ngân kinh phí; đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp đúng quy định hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện giải ngân nguồn vốn kịp thời, đúng quy định.
Các đơn vị được giao kế hoạch vốn: sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đối tượng; thanh, quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện Chương trình MTQG.
Chủ động cân đối bố trí ngân sách cấp huyện, lồng ghép với ngân sách Trung ương và huy động tối đa nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời giải ngân nguồn vốn ngay khi có khối lượng nghiệm thu, hoàn thành thanh toán trong năm 2023; định kỳ (ngày 15, ngày 30 hằng tháng) soát xét, tổng hợp kết quả giải ngân trong kỳ, lũy kế kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đến thời điểm và báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh để theo dõi, đôn đốc thực hiện kịp thời.
Hà Tĩnh đang triển khai thí điểm một số mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Kết quả ban đầu cho thấy các mô hình số đã giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm; kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm; tiếp cận, tìm hiểu kiến thức trong phát triển kinh tế vườn hộ, giáo dục, y tế..
Với việc chủ động triển khai chuyển đổi số trong xây dựng NTM, thúc đẩy quá trình số hóa nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp... đang góp phần đưa chất lượng xây dựng NTM Hà Tĩnh đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh...
Hoài Thanh