Hà Tĩnh: Hàng loạt trụ sở, nhà khách bỏ hoang gây lãng phí
Tọa lạc ở những khu “đất vàng” ngay giữa trung tâm thành phố Hà Tĩnh, nhưng có hàng loạt trụ sở, nhà khách bị bỏ hoang nhiều năm nay, đang từng ngày xuống cấp gây lãng phí. Dù có những trụ sở đã đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không tìm được chủ mới.
Ảnh hưởng mỹ quan đô thị
Phan Đình Phùng là tuyến đường sầm uất ở thành phố Hà Tĩnh vì có rất nhiều trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng đang hoạt động.
Nằm ở vị trí đắc địa nhất trên tuyến đường này, phải kể đến là trụ sở làm việc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, kể từ ngày chuyển đến trụ sở mới vào năm 2013, trụ sở cũ của đơn vị trên bị bỏ hoang cho đến nay.
Theo quan sát, nơi làm việc trước đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh là 2 dãy nhà 2 tầng và 3 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 2.000m2. Trụ sở này do nhiều năm bỏ trống nên sơn tường bong tróc, rêu mốc phủ kín, rất nhiều hạng mục đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng.
Trụ sở cũ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh được định giá 38,7 tỷ đồng, đưa ra đấu giá nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới. Trụ sở này đang tạm thời dừng triển khai các thủ tục tổ chức đấu giá, để chờ trụ sở của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh nằm kế chuyển đến nơi làm việc mới, thì tổ chức quy hoạch, đấu giá một lần nhằm nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng ngân sách Nhà nước.
Nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán hàng quán ở gần trụ sở hoang phế này bày tỏ sự tiếc nuối, vì "đất vàng" bị bỏ không, vừa gây lãng phí, vừa làm mất mỹ quan đô thị.
Tương tự, tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, cách đó vài trăm mét, Nhà khách Hương Sen cũng trong tình trạng bỏ hoang. Theo đó, Nhà khách Hương Sen này được định giá 63 tỷ đồng, đã đưa ra bán đấu giá nhưng cũng không có người mua nên các Sở, ngành đang làm hồ sơ để cho thuê.
Để tìm chủ mới cho 2 khu đất công bị bỏ hoang này, năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi tài sản và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh) quản lý, lập phương án xử lý. Cả hai tài sản công nói trên được đưa ra xử lý theo hướng đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ mới.
Không chỉ riêng 2 khu đất công này mà tại thành phố Hà Tĩnh, còn hàng loạt trụ sở nằm ở vị trí đẹp cũng trong tình trạng tương tự. Trụ sở cũ của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Tĩnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nằm trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ, cũng đang bị bỏ không sau khi hai đơn vị này xây dựng trụ sở tại vị trí mới.
Ngoài ra, còn trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nằm trên đường Đặng Dung, sau thời gian bị bỏ hoang hiện được tạm giao cho Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố sử dụng để chờ phương án xử lý. Cùng với đó, hàng loạt trụ sở khác như: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội thành phố, Trung tâm Da liễu tỉnh…
Theo rà soát, hiện toàn tỉnh còn 35 trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn hiện không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang lâu ngày cần phải rà soát, xử lý… Từ năm 2019 đến nay, chỉ mới có 17 trụ sở làm việc được tỉnh Hà Tĩnh đề xuất điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý và sử dụng.
“Khó” xử lý dứt điểm
Theo nguyên tắc, các trụ sở, tòa nhà cũ không còn được sử dụng theo quy định phải được đưa ra đấu giá tài sản gắn với đất. Nhưng đến nay, tại tỉnh Hà Tĩnh mới có duy nhất một trường hợp là trụ sở cũ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức bán đấu giá thành công và đơn vị trúng thầu hiện đang xây dựng dự án khách sạn.
Mặc dù, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có các Quyết định thu hồi đất, thu hồi tài sản nhưng khi bán đấu giá thì vướng quy định pháp luật… Không những vậy, vướng mắc hiện tại do một số cơ quan, trụ sở cũ không còn sử dụng nhưng chưa được các Bộ, ngành Trung ương điều chuyển, chuyển giao về cho Hà Tĩnh để quản lý, sử dụng.
Có thể kể đến như: Trụ sở cũ Cục Thống kê tỉnh, trụ sở cũ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, trụ sở làm việc của Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hà Tĩnh.
Bởi theo quy định việc sắp xếp, xử lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, nhưng hiện nay các cơ quan Trung ương chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
UBND thành phố Hà Tĩnh thẳng thắn cho biết, một số khu đất công tại địa phương trong danh mục nêu trên, chưa thể cho thuê đã gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của thành phố. Địa phương đã nhiều lần đề xuất có phương án xử lý, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Một số trụ sở cũ nằm trên các khu đất “vàng” tại thành phố Hà Tĩnh chưa cho thuê, gây lãng phí và làm ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố. Những năm qua, Sở Tài chính đã rà soát, đưa ra phương án xử lý nhưng còn có nhiều vướng mắc. Mỗi danh mục tài sản công đều có vướng mắc riêng nhưng chủ yếu là đấu giá mà không có người mua.
“Tài sản công rất khó bán, nên phương án cho thuê sẽ khả thi hơn. Ngoài ra, nhu cầu bất động sản đang trầm lắng, doanh nghiệp khó khăn. Vướng mắc lớn nhất ở đây là Trung ương chưa có quyết định điều chuyển tài sản công về cho tỉnh Hà Tĩnh quản lý”, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ.
Để xử lý dứt điểm thực trạng này, đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cần tập trung, quyết liệt hơn và có những giải pháp căn cơ hơn.
Vân Hà - Lê Minh