Hà Tĩnh: Siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép
Nhằm siết chặt nạn khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt, ra quyết định xử phạt, đình chỉ hoạt động đối với một số mỏ khai thác vượt công suất cho phép.
Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động doanh nghiệp vi phạm khai thác khoáng sản
Ngày 26/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2000/QĐ-UBND thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản số 1280/GP-UBND ngày 14/04/2015 đã cấp cho Công ty Cổ pahàn Tập đoàn công nghiệp VN1 để khai thác mỏ đá xây dựng nằm trên hai địa bàn phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Nguyên nhân việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 là do doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí theo quy định và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; không bảo đảm hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Quá trình hoạt động, mỏ đá của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 có nhiều vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Trước thời điểm bị UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác, Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 103,962 triệu đồng do có hành vi vi phạm trong quá trình khai thác mỏ đá xây dựng tại khu vực núi Hồng Lĩnh như: Khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép (theo bề mặt) là 0,075ha; khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu) là 0,8m, trong phạm vi diện tích 0,2128ha tại mỏ đá xây dựng.
Với vi phạm nêu trên, Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1 bị xử phạt số tiền 30 triệu đồng và buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền là 73,962 triệu đồng.
Cùng với đó, vào ngày 21/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 1976/QĐ-UBND đóng cửa mỏ đá xây dựng trên núi Nam Giới tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà đã cấp cho Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1442/GP-UBND ngày 7/6/2016.
Tháng 3/2020, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 80 triệu đồng, bị đình chỉ khai thác 3 tháng vì khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt từ đầu; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng trình tự, hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến đá Thạch Hải liên tiếp bị cử tri phản ánh về việc doanh nghiệp này thường xuyên nổ mìn tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường…
Ngày 11/7 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-UBND về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản số 536/GP-UBND ngày 8/2/2021 đã cấp cho Công ty TNHH Cường Trường. Công ty này được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản để khai thác mỏ đất thôn Thanh Mỹ (xã Thượng Lộc) với diện tích khai thác 1,7ha, trữ lượng khai thác 199.733 m3, thời hạn khai thác 3,5 năm.
Quá trình khai thác, doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất khu vực khai thác khoáng sản, không bảo đảm điều kiện hoạt động khai thác theo quy định được xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ, chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Dù đã bị Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng và được yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm nêu trên nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện đầy đủ. Đến nay, đơn vị chưa bảo đảm các điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định. Đến ngày 15/3, còn nợ ngân sách Nhà nước và tiền ký quỹ môi trường 366 triệu đồng.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trong thời gian qua, những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị, doanh nghiệp đã được các ngành chức năng Hà Tĩnh bắt tay vào cuộc và xử lý nghiêm. Đầu năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an tỉnh cùng chính quyền địa phương tổ chức rà soát, siết chặt công tác quản lý, thanh tra và xử phạt đối với các doanh nghiệp sai phạm; kiên quyết xử lý nghiêm bằng hình thức rút giấy phép đối với các cá nhân, tổ chức sai phạm nhiều lần hoặc sai phạm nghiêm trọng: UBND tỉnh đã ra quyết định đóng 10 mỏ vật liệu xây dựng, trong đó có 5 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp, 1 mỏ sét trắng làm gạch, trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên.
Số liệu thống kê của Công an Hà Tĩnh cho thấy, trên toàn địa bàn tỉnh hiện có 21 mỏ đất, 8 mỏ cát và 38 mỏ đá đang hoạt động. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 21 vụ với 35 đối tượng trong đó có 4 tổ chức và 31 cá nhân, vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh: Trong thời gian qua, Sở đã tiến hành thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, về khoáng sản tại 54 mỏ của 52 đơn vị khai thác trên địa bàn toàn tỉnh. Một số đơn vị vẫn còn có các tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản; chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; khai thác vượt công suất; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép hay chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tổ chức hoạt động khai thác tại khu vực mỏ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, căn cứ lỗi vi phạm của các đơn vị khai thác khoáng sản, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 đơn vị, tổng số tiền xử phạt gần 700 triệu đồng cụ thể: Có 2 đơn vị khai thác không đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt, 4 đơn vị khai thác vượt công suất được phép khai thác, 3 đơn vị khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác và 2 đơn vị khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm (đất san lấp) khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép theo quy định.
Thời gian tới, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, góp phần sử dụng và bảo đảm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chúng tôi tiếp tục rà soát lại các quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với lực lượng công an, các ngành chức năng, UBND các huyện tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản nhằm hạn chế các vi phạm về khai thác khoáng sản, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, khai thác khoáng sản tại địa phương…” - lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh chia sẻ.