Hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện
Hạ tầng logistics là tất cả những cơ sở vật chất và kỹ thuật đóng vai trò là nền tảng quan trọng phục vụ cho ngành dịch vụ logistics. Hạ tầng logistic bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
Theo đó, trong thời gian qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, với sự quan tâm đầu tư phát triển của Chính phủ và các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Theo thống kê, hiện cả nước có tổng chiều dài đường bộ khoảng 595.201 km, trong đó đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km (tăng 7,3% so với năm 2017). Song song với chất lượng hạ tầng được cải thiện, chất lượng vận tải đường bộ được nâng cao, giảm đáng kể thời gian đi lại.
Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác khoảng 23 đoạn tuyến, tương đương với 1.239 km; đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km.
Các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng trên các trục giao thông xương sống của khu vực, kết nối liên vùng có sức lan tỏa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền và cả nước tạo điều kiện cho kết nối nguồn hàng giữa các địa phương và vận tải đa phương thức phát triển.
Trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều nỗ lực, duy trì tình trạng kết cấu hạ tầng để nâng cao an toàn và rút ngắn thời gian chạy tàu. Mật độ đường sắt đạt khoảng 9,5 km/1.000 km2 (là mức trung bình của khối ASEAN và thế giới).
Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 7 tuyến chính gồm: Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (1.726 km), Gia Lâm - Hải Phòng (102 km), Hà Nội - Đồng Đăng (167 km), Yên Viên - Lào Cai (296 km), Đông Anh - Quán Triều (55 km), Kép - Lưu Xá (56 km, không hoạt động), Kép - Hạ Long - Cái Lân (128 km) và một số tuyến nhánh, nhánh kết nối đến các đô thị, cơ sở sản xuất.
Mạng lưới đường sắt kết nối với nhau tại khu đầu mối Hà Nội, hiện đi qua địa bàn của 34 tỉnh, thành phố, gồm 4/6 vùng kinh tế của cả nước. Hiện có 02 tuyến kết nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng (tuyến liên vận Hà Nội - Đồng Đăng) và tại Lào Cai (tuyến Hà Nội - Lào Cai).
Hạ tầng logistics đáp ứng hoạt động sản xuất và nhu cầu thiết yếu của các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp để góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hạ tầng logistics còn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, xử lý và lưu trữ hàng hóa cũng như đảm bảo được về thông tin liên lạc giữa các dây chuyền sản xuất để tạo thành một mắt xích hoạt động liên tục trong quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa, lưu trữ kho bãi hay truyền đạt thông tin là các hoạt động đặc trưng cơ bản của logistics. Cơ sở hạ tầng logistics tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp và góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội.
Cơ sở hạ tầng logistics đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và tác động đến các chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp. Giao thông vận tải trong hạ tầng logistics có vai trò vận chuyển hàng hóa từ khâu này đến khâu khác của chuỗi cung ứng. Từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, đến các khâu chế biến, phân phối tới các kênh phân phối như là đại lý, nhà bán lẻ và cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Quá trình này sử dụng nhiều phương tiện giao thông vận tải như là đường bộ, đường hàng không và đường sắt. Những phương tiện giao thông vận tải thuận lợi, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, công nghệ cao sẽ giúp cho công đoạn vận chuyển, xử lý hàng hóa rút ngắn về thời gian, thuận lợi và hiệu quả. Kho vận cũng đóng một vị trí rất quan trọng trong quá trình lưu thông, lưu trữ hàng hóa. Các hệ thống kho vận càng nhiều và hiện đại thì sẽ phục vụ tốt cho việc cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng cũng như thời gian.
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, tính đến năm 2022, cả nước có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng theo quy hoạch tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính đang được các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn 2017- 2022, nhiều trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, góp phần giảm gánh nặng cơ sở hạ tầng logistics như: Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng, Trung tâm logistics KM Cargo Services Hải Phòng, Trung tâm logistics Vĩnh Tân Bình Thuận...
Đầu tư vào hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao năng lực hệ thống logistics, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ logistics và nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển hạ tầng logistics sẽ giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ sở hạ tầng logistics giúp kết nối cung cầu, kích cầu hàng hóa, phát triển thương mại. Phát triển hạ tầng logitiscs sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn và tăng hiệu quả từ khâu đầu vào nguyên liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Hạ tầng logistics giúp cung ứng sản phẩm nhanh, kịp thời, tạo ra các tiện ích về thời gian, địa điểm cung ứng hàng hóa. Hạ tầng logistics cũng giúp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp, từ đó doanh thu và lợi nhuận tăng lên, góp phần vào phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như phát triển kinh tế của đất nước nói chung.
Phát triển hạ tầng logistics cũng giúp đảm bảo thời gian cung cấp nguyên liệu và phân phối hàng hóa, từ đó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các thị trường nguyên liệu và thị trường hàng hóa ở xa, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và kích thích sản xuất tại các địa phương, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền. Hạ tầng logistics giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các thị trường các nước, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các nước xuất khẩu do nâng cao được chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian vận chuyển, bảo quản hàng hóa nhất là các hàng hóa thực phẩm như rau quả, hải sản, thực phẩm tươi sống.
Cơ sở hạ tầng logistics phát triển giúp giảm chi phí logistics và việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt do sự kết nối chặt chẽ giữa các cảng, ga, đường sắt, đường bộ và đường hàng không.
Phát triển hạ tầng logisitcs còn giúp mở rộng thị trường trên toàn thế giới, thúc đẩy sự kết nối mạng lưới của các công ty logistics toàn cầu, từ đó hàng hóa có thể tiếp cận được với nhiều nơi trên thế giới, thị phần được mở rộng. Ngoài ra, còn thu hút đầu tư trực tiế nước ngoài vào phát triển hạ tầng logistics, góp phần mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Tiến Hoàng