Hà Nội: Giải pháp nào giúp chợ truyền thống hết ế khách?
Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử cùng với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi "mọc lên như nấm" đã khiến cho hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Chợ truyền thống nổi tiếng cũng vắng khách hàng
Là một trong những khu chợ lâu đời và có tiếng ở Hà Nội nhưng chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) thường xuyên trong tình trạng vắng vẻ, thưa thớt khách ra vào. "Ế lắm cháu à", một tiểu thương tại chợ chia sẻ.

Hàng hoá tại chợ Hôm - Đức Viên phong phú nhưng vắng bóng người mua.
Bà Vui, chủ một gian hàng bán quần áo tại đây cho biết: "Những quán đồ ăn ở ngay mặt đường còn có khách, chứ các gian hàng bên trong ế lắm".
Cũng theo bà Vui, những mặt hàng quần áo hay giày dép trong chợ giờ rất khó cạnh tranh với xu thế mua sắm trên mạng. Nhiều người ở đây không trụ được phải đóng cửa ki ốt, sang nhượng và chuyển hướng làm ăn khác.

Chợ Hàng Da nằm ở vị trí đắc địa thuộc trung tâm quận Hoàn Kiếm.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù nằm ở trung tâm phố cổ sầm uất bậc nhất quận Hoàn Kiếm, nhưng lượng người vào chợ Hàng Da rất ít. Đa số những người vào chợ là khách du lịch đi tham quan, xem đồ lưu niệm là chính.
Tại khu vực tầng hầm B1 chủ yếu bán thực phẩm tươi sống và một số mặt hàng đồ gốm, giày dép, quần áo; tầng 1 bày bán rượu, bia, tạp phẩm... nhưng lượng khách đến mua không nhiều.
Các tầng trên của chợ Hàng Da được sử dụng cho khu vực nhà hàng, dịch vụ như phòng tập gym, phòng bida... nhưng cũng rất vắng vẻ.
Ghi nhận tại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) lúc 11h trưa, ngoài khu vực bán đồ ăn sẵn như bún, phở, cháo... thì các gian hàng bán quần áo, giày dép, bánh kẹo rất vắng khách. Trước tình hình khó khăn, nhiều tiểu thương phải dừng kinh doanh, treo biển bán và cho thuê cửa hàng.

Hàng loạt ki ốt tại chợ Hàng Da đóng cửa.
Các tiểu thương cho biết, do kinh tế khó khăn, thu nhập phần lớn người lao động sụt giảm nên nhiều gia đình áp dụng chính sách tiết kiệm. Cùng với đó, thói quen mua sắm qua kênh thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống, hoạt động mua bán tại các chợ ngày càng bị thu hẹp.
Chị Phạm Nga (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Chỉ cần lướt điện thoại là tôi có thể mua đủ thực phẩm hằng ngày từ tôm, cua, thịt, cá, rau củ, hoa quả... trên facebook hay nhóm zalo trong khu chung cư. Thực phẩm tươi ngon, được ship tới tận nhà mà tôi không cần phải ra chợ, không cần mặc cả".

Nhiều tiểu thương tại chợ Mơ đã phải dừng kinh doanh, bán và cho thuê lại cửa hàng.
Chia sẻ về thói quen mua sắm hiện nay, chị Đàm Huệ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Mình thường xuyên mua hàng online, từ quần áo, giày dép và cả đồ ăn. Ưu điểm là nhanh, thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi chợ.
Giải pháp nào?
Theo KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội đã có quy hoạch một số chợ truyền thống, nhưng các chợ này không thu hút người dân vì một số lý do.
Thứ nhất do vị trí quy hoạch chưa chuẩn, không có khả năng tiếp cận dễ dàng để giúp người dân thuận lợi trong việc mua bán.
Thứ hai là giá mặt bằng cho thuê trong chợ cao khiến các tiểu thương gặp khó khăn. Ngoài ra, người dân đến chợ truyền thống cũng không có thói quen gửi xe, nhưng các chợ được quy hoạch lại thì phải gửi xe, gây bất tiện cho người mua.
Bên cạnh đó, các chợ cóc phát triển rất nhiều, tràn lan các ngóc ngách. Người dân không phải thuê mặt bằng, chỉ việc vào buôn bán và người mua không cần phải gửi xe. Nhưng tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát triển sẽ ảnh hưởng lớn đến mỹ quan và trật tự đô thị. Thành phố Hà Nội thường xuyên ra quân để dẹp chợ cóc, nhưng chỉ một thời gian sau đâu lại vào đấy, dẹp chỗ này thì họ lại mở ở chỗ khác.

Cũng theo KTS Trương Văn Quảng, để chợ truyền thống phát triển hơn trong thời gian tới, Hà Nội phải rà soát quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn.
Quy hoạch hệ thống chợ phải tiện dụng, giúp người mua có khả năng tiếp cận tốt nhất. Các chợ phải quy hoạch khu vực gửi xe để tránh phát sinh những chỗ gửi xe tự phát, thu giá cao khiến người dân không hài lòng.
Như vậy, phải tính toán để những chợ truyền thống thay đổi cách tiếp cận, từ vị trí chợ đến quy hoạch mặt bằng và chỗ gửi xe cho người mua. Hơn nữa, giá thuê mặt bằng áp dụng đối với tiểu thương cũng phải hợp lý.
Mặt khác, việc quản lý chợ hiện nay chưa thực hiện tốt. Một số chợ xuất hiện tiêu cực như có bảo kê, thu phí ngoài quy định, nhũng nhiễu các tiểu thương… Do đó, chính quyền phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm.
Chia sẻ về một số giải pháp nhằm hỗ trợ tiểu thương, đại diện Ban quản lý chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Trong thời điểm dịch bệnh, Ban quản lý cũng có những chính sách giảm giá thuê cho các tiểu thương.
Bên cạnh đó, theo quy định, các tiểu thương ở đây sẽ ký hợp đồng theo năm và đóng tiền thuê vị trí cửa hàng theo tháng. Tuy nhiên, có những tiểu thương gặp khó khăn, không trả kịp tiền thuê theo tiến độ hợp đồng đề ra, Ban quản lý vẫn gia hạn thời gian nộp tiền.
Vị đại diện này chia sẻ thêm: Để thu hút khách hàng, các tiểu thương cũng cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm mua sắm và thu hút khách hàng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chợ truyền thống thích ứng và phát triển hơn trong tương lai.
Vẫn có lác đác người đi chợ truyền thống như bà Vũ Hiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng không nhiều. Bà cho biết: "Tôi có thói quen đi chợ truyền thống và thường xuyên đi chợ Nghĩa Tân. Vì vậy, tôi có những cửa hàng quen trong chợ, đồ ăn luôn tươi ngon mỗi ngày, hôm nào bận không qua được, họ có thể vận chuyển tới tận nhà. Thời của tôi không có mạng internet, mua ở chợ cũng được giá tốt hơn trong siêu thị nữa".