Áp lực gia tăng khiến sức mua tại chợ truyền thống sụt giảm
Khai xuân từ ngày mùng 6 Tết, nhưng đến nay vẫn chưa bán được sản phẩm nào, bà Nguyễn Thị Oanh - tiểu thương một ngôi chợ trung tâm từng rất tấp nập ở Tp Vinh (Nghệ An) và nổi tiếng ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh – than thở “ế lắm! Chợ không có người qua lại, cũng hiếm người mua hàng”.
Chuyện vắng vẻ hay ế ẩm ở các chợ truyền thống đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Đó là câu chuyện đáng phải suy ngẫm, bởi với chợ truyền thống vốn không chỉ là nơi mua - bán, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, lưu giữ những nét văn hóa xưa cũ mà bao đời nay vẫn tồn tại, lưu dấu ấn trong mỗi kiếp người. Ấy vậy, trước cuộc “xâm lấn” mạnh mẽ của công nghệ, sức cạnh tranh ngày một gia tăng không chỉ về giá, mà còn về thời gian… đó là những sức ép mà các nhà kinh doanh bán lẻ truyền thống phải đối diện. Sự dịch chuyển trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, những thay đổi chóng mặt về hình thức, nền tảng bán hàng đang là vấn đề khiến cho các tiểu thương tại chợ truyền thống ngỡ ngàng
Chợ truyền thống vốn có bản sắc riêng
Chợ truyền thống là bộ phận quan trọng trong mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Khác với các hình thức kinh doanh hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, chợ truyền thống chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch gắn với các thói quen, phong tục, tập quán vùng miền, là không gian giao tiếp văn hóa của người dân địa phương.
Theo GS,TS, KTS Hoàng Đạo Kính, trong đời sống văn minh đô thị hôm nay, chợ truyền thống vẫn có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Nói về vùng quê người ta hay hình dung mái đình, giếng nước, gốc đa và những chợ quê dân dã êm đềm nơi thôn xóm. Chợ có tự ngàn xưa xuất hiện ở vùng quê, nơi giao thoa mua bán, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp ruộng vườn, như mớ rau người ta trồng, quả trứng, con gà người ta nuôi, con tôm, con tép bắt ở dưới ao dùng không hết thì đem ra chợ bán. Sự trao đổi hàng hóa đó hình thành nên một thứ được gọi là chợ.
Dẫu cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng vào những ngày lễ trọng đại thì hình ảnh về chợ Việt truyền thống lại mang nhiều giá trị văn hóa, những kí ức xưa cũ đã ăn sâu bám rễ trong tâm khảm của mỗi người và được thể hiện rõ nhất trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hình ảnh những người bán lá dong để gói bánh chưng, màu hoa đào thắm đỏ trong một khu phố chợ, những chậu quất rung rinh trĩu quả lúc lỉu vàng ươm…
Chợ truyền thống mang tâm hồn Việt, dáng dấp Việt, từ lâu đã ăn sâu vào mỗi nếp nhà, ngay trong những tác phẩm văn học đặc sắc, các nhà văn Việt Nam cũng rất có ấn tượng với chợ, và chợ nhẹ nhàng đi vào tác phẩm của họ như hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, Tràng - người nông dân hiền lành chân chất đã dắt người vợ nhặt khốn khổ của mình lên chợ tỉnh mua đồ. Hay một phiên chợ chiều tàn buồn man mác gây ám ảnh của hai chị em Liên đợi tàu đêm ở khu phố huyện nghèo heo hút trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam.
Cụ Nguyễn Bính xưa cũng mãi miết lưu lạc chốn chợ, lang thang đây đó để tự bộc bạch với bản thân, rằng: "Ta đi nhưng biết về đâu chứ/Đã dấy phong yên lộng bốn trời/Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ/Uống say mà khóc thế nhân ơi!"…
Theo thời gian, chợ Việt phát triển với nhiều hình thức khác nhau, từ chợ quê, chợ cóc, chợ tạm, chợ đầu mối, chợ phiên, chợ hải sản, chợ đêm… ở những con phố, thôn xóm, ngõ ngách của khu dân cư hay chợ đầu mối xuất hiện ở nơi cung cấp hàng hóa cho cả một vùng... Nhiều không gian chợ cũng rất đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch, song cũng có những chợ truyền thống lâu đời vốn đã là bản sắc riêng cho địa phương hay phố thị nào đó, chẳng hạn như: Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TPHCM), chợ Đông Ba (Thừa Thiên – Huế), chợ Vinh (Nghệ An)…
Dù cho trong cuộc “xâm lấn” như vũ bão của công nghệ và hệ thống bán lẻ hiện đại, song chợ truyền thống vốn có bản sắc của riêng mình. Bởi nó như là thói quen, là nếp sống nên con người ta vẫn có nhu cầu đến chợ, mua và bán.
… trước nhiều áp lực
Dẫu vậy, trước công cuộc hội nhập sâu rộng và tốc độ đô thị hoá nhanh, nhất là sức ép đang ngày càng gia tăng của công nghệ và hệ thống các cơ sở bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống dường như càng mất dần vị thế. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi tiêu của người dân do tình hình kinh tế khó khăn cùng với xu hướng mua hàng của người dân thay đổi, chuyển từ mua trực tiếp qua kênh trực tuyến khiến chợ truyền thống đang mất dần sức hút, trở nên vắng khách.
Có thể hình dung đơn giản thế này, để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình, chúng ta chỉ cần mở điện thoại, chọn siêu thị, cửa hàng thực phẩm và lựa chọn hàng hoá,… khoảng 30 phút sau, siêu thị sẽ tự đóng gói hàng hóa rồi chuyển đến nhà, và thanh toán… Với cách thức đi chợ này, người tiêu dùng không cần đến chợ chen chúc chọn từng món hàng, trả giá rồi tay xách nách mang về nhà là mệt lử. Mặc dù không ít món hàng mà mình chọn không có người chịu trách nhiệm về tính an toàn và chất lượng nếu xảy ra vấn đề ngoài mong muốn.
Với ưu thế như không tốn kém về tiền mặt bằng, không mất chi phí thuê nhân viên nên giá cả các mặt hàng online cũng rẻ hơn, đi kèm với đó là các chính sách khuyến mãi, giảm giá. Không những vậy, loại hình này còn có chính sách chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm mới nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen, xu hướng tất yếu trong thời đại số hiện nay.
Trong cuộc cạnh tranh này, chợ truyền thống rơi vào thế yếu. Thực tế này là tất yếu, bởi cuộc sống hiện đại, cách tổ chức gia đình và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng nói chung đã thay đổi khiến cho kiểu mua bán như trước đây đã ít nhiều không còn đáp ứng được. Dù là chợ hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi, song có lẽ sự khác nhau nằm ở cách phục vụ. Cuộc sống đổi thay thì cách phục vụ cũng phải đổi thay để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Người quyết định là khách hàng nên dù là chợ gì thì cũng phải phục vụ thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Hơn thế, những cuộc “xâm lấn” địa bàn, cạnh tranh về giá diễn ra thời gian qua không thể hiện hết được sức ép mà các chợ truyền thống phải đối diện. Theo các chuyên gia bán lẻ, kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện ích đang là cuộc chiến “mua rẻ, bán rẻ”, thậm chí, để khẳng định được thương hiệu, chiếm lĩnh được thị trường, thói quen tiêu dùng… các nhà kinh doanh này còn chấp nhận thua lỗ lên đến 5-10 năm để đón đầu cơ hội, với chiến lược dài hơi và tầm nhìn xa. Những điều trên có thể là lý do khiến nhiều tiểu thương ở chợ truyền thống ngỡ ngàng về mức giá mà các hệ thống bán lẻ hiện đại áp dụng.
Giống như các đô thị khác trên cả nước, ngay tại thành phố Vinh (Nghệ An), từ khi mạng xã hội và internet trở nên phổ biến, việc hình thành các nhóm chợ trong khu dân cư, group cộng đồng cũng phát triển, từ đó thúc đẩy việc mua sắm hàng hóa trên không gian mạng thuận tiện hơn. Hiện nay, 100% các phường, xã ở thành phố Vinh đều có nhóm chợ như: Chợ thực phẩm Vinh, Chợ thực phẩm tươi sống Hưng Dũng, chợ Cọi,… các mặt hàng từ mớ rau, con cá, thậm chí các đồ gia dụng khác đều được đăng tải, nhận đơn, ship hàng.
Chị Hoàng Thị Thuỷ, kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống ở khu chung cư thuộc phường Quán Bàu (Tp Vinh), chia sẻ: "Mình chuyên vận chuyển thực phẩm từ quê như đồ hải sản tươi sống, rau củ quả để bán cho nhóm cư dân. Hầu hết các cư dân đều tham gia vào nhóm này nên lượng khách hàng rất đông, mình căn cứ theo đơn hàng đã đặt sẵn của khách để lấy hàng, ship hàng".
Với nhiều cách thức bán hàng đa dạng, nhanh chóng và tiện lợi nên phần lớn người tiêu dùng ít ra chợ, và thực tế đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho chợ truyền thống trở nên ế ẩm, vắng khách.
Bà Đậu Thị Cát – chủ sạp vải tại chợ Vinh (Tp Vinh, Nghệ An), than thở mặt hàng vải thời trang bị ảnh hưởng nặng nề kể từ sau dịch Covid, đặc biệt là từ năm 2022 trở lại đây do người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và ưu tiên hàng hóa thiết yếu hơn. Xu hướng kinh doanh trên mạng xã hội, sàn online mạnh quá, mua bán dễ dàng với giá rẻ hơn nên những mối hàng cũ cứ phai dần.
“Nói chung các tiểu thương mất từ 30-50% lượng khách hàng sỉ so với trước đây, trong khi bán lẻ tại chợ thì bị sụt giảm nhiều hơn, đến 70%”, bà Cát chia sẻ.
Khai xuân cả tuần, bán 0 sản phẩm
Ngồi ngay lối đi giữa chợ trong khu vực đồ ngư cụ, cạnh hàng vải, đang lướt xem điện thoại. Bà Đào Thị Cát – chủ sạp vải ở chợ Vinh thi thoảng dừng lại ngó quanh. Lúc 10h30 phút, thấy khách dừng chân trước quầy hàng và chú ý vào sạp vải của mình, bà liền tắt điện thoại, đứng dậy chào mời.
Lật mở vài cuộn vải được bày biện khá bắt mắt lên xem, mỗi cuộn như một cây vải trông rất đẹp. Chọn một mẫu vải ưng ý, khách vừa trả tiền, vừa hỏi: “Hôm nay dì có bán được nhiều không?”. Vừa nghe câu đó, bà Cát kêu trời, lắc đầu: “Từ sáng tới giờ này mà chưa ai mở hàng, cậu là khách đầu tiên đó”.
Để chứng minh việc chưa có ai mở hàng, bà Cát chỉ tay về nhóm người đang tụ tập bên cạnh, đó “không buôn chuyện thì bà con đang xúm lại đánh bài tú-lơ-khơ giải xui, mần chi có khách đâu cậu? Chỉ tay qua cửa hàng đối diện, bà nói: “bên này dù đã mở cửa khai xuân rồi, nhưng không có khách mua, nhiều cửa hàng đang đóng cửa về nhà”.
Bà Cát vốn đã gắn bó với chợ Vinh độ 20 năm nay. Nhớ lại thời chợ truyền thống còn tấp nập, bà Cát cho biết: Không như trước đây, cách đây độ 5 - 6 năm, thời điểm này hàng quán bán tốt, khách vào ra nhiều, có ngày bán được cả 10 - 15 cây; bây giờ bán cả ngày hy vọng bán được cây”.
Theo quan sát của PV Thương Trường, hầu hết chủ sạp ở chợ Vinh đều có vẻ nhàn hạ ở khung giờ mà lẽ ra người ta đi chợ rất đông. Trong khoảng thời gian chưng 30 phút quan sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người qua lại trong chợ là chủ hoặc nhân viên của các sạp hàng. Có thể do ngồi lâu chân tay tê mỏi nên họ đi lại cho máu lưu thông, hoặc đi qua các sạp khác tiếp chuyện cho khuây.
Những gian hàng vắng vẻ, chủ sạp người ngồi thêu vá, người lướt điện thoại, nhóm thì chơi tú-lơ-khơ giết thời gian. Bà Nguyễn Thị Oanh, chủ một sạp kinh doanh đồ ngư cụ, cho biết: “Ế lắm. Chợ không có người qua lại, cũng hiếm người mua hàng. Cậu thấy đấy, toàn thấy người trong chợ ni đi lại thôi chớ mần chi có khách mô”.
“Mở cửa khai xuân từ hôm mùng 6 Tết (15/2), nhưng đã gần một tuần trôi qua, chưa bán được sản phẩm mô. Dì duy trì sạp để hy vọng có khách mua, nếu nghỉ ở nhà thì biết mần chi bây giờ? Thôi thì cố gắng trưng hàng cho đẹp, ngồi ngóng khách” - bà Oanh chia sẻ.
Không chỉ các sạp vải, quần áo, ngư cụ vắng khách mà những quầy gia dụng cũng đang rơi vào cảnh người bán đông hơn người mua. Ở chợ ga Vinh, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng, ngoài các gian hàng thực phẩm tươi sống là sôi động người mua bán thì ở đình chính, lại hiu hắt, vắng lặng. Nhiều quầy sạp đóng cửa do cả ngày không có khách ghé mua. Tiểu thương cố bám trụ với việc kinh doanh hàng ngày ra mở sạp bán nhưng không có người mua, có những sạp hàng cả ngày không bán được sản phẩm nào.
Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh có 371 chợ dân sinh đang hoạt động, trong đó, có 7 chợ hạng I, 20 chợ hạng II, 240 chợ hạng III và 104 chợ chưa được xếp hạng. Trong đó hơn 70% được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; các chợ tạm cũng được các địa phương nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ và các loại hình kinh doanh hiện đại, một bộ phận người dân đã thay đổi, tiếp cận với thói quen tiêu dùng mới, khiến chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và đang có nguy cơ mất dần vị thế.
Dẫu vậy, có một điều không thay đổi là chợ truyền thống không chỉ là nơi mua bán mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng. Đến mua một món hàng này nhưng cũng để tham khảo, nhìn ngắm những món hàng khác. Người mua trao đổi vài câu với người bán nhưng sẵn dịp tìm hiểu thêm câu chuyện hằng ngày. Chợ tuy ồn ào nhưng cũng vì thế giải tỏa tâm lý đơn điệu của bản thân… Đây cũng là lợi thế cạnh tranh còn lại của kiểu chợ cũ để giữ chân những khách hàng khá đặc thù vốn có.
Vẫn biết phải chịu nhiều áp lực trước thời cuộc, và cách thức mua bán có thể khác nhau, nhưng để tồn tại có lẽ các tiểu thương chợ truyền thống cũng nên thích ứng và mạnh dạn thay đổi. Còn ở góc cạnh sâu xa của văn hoá, rõ ràng chợ truyền thống vẫn có hồn cốt và không gian riêng của nó nên cần được gìn giữ, bảo tồn. Có như vậy mới giữ những ngôi chợ truyền thống tồn tại theo thời gian và theo ký ức của người dân trong cuộc sống hiện đại vốn vội vã này.
Minh Đức